Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Quản lý vĩ mô ruộng đất từ thế kỷ XIX đến thời Pháp thuộc


TẠP CHÍ XƯA & NAY

Quản lý vĩ mô ruộng đất từ thế kỷ XIX đến thời Pháp thuộc

Vũ Huy Phúc
Số 405 (6 – 2012)
Ruộng đất luôn gắn liền với vấn đề nông dân và nông nghiệp. Vì vậy, việc quản lý ruộng đất là nhân tố tác động, thậm chí quyết định mạnh mẽ đến người nông dân cũng như nền sản xuất nông nghiệp. Khái niệm quản lý ruộng đất bao gồm từ chế độ chung cho đến những biện pháp cụ thể. Nhưng ở đây khái niệm đó chỉ được quan sát trên bình diện tổng quát, hay nói cách khác là quản lý vĩ mô. Đó là chế độ ruộng đất do nhà nước thiết lập nhằm quy định một cơ chế chung nhất và quyết định nhất cho sự hình thành và tồn tại,  cũng như cho sự phát triển một kết cấu ruộng đất nhất định. Trong thế kỷ XIX và XX,  đất nước ta trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, dưới những thể chế chính trị khác  nhau, do đó có những chế độ ruộng đất khác nhau.
Hội thi nhà nông ở Biên Hòa
Đất nước ta cùng với ruộng đất Việt Nam có một quá trình hình thành trải dài theo năm tháng kể cả theo không gian từ Bắc vào Nam. Do vậy trong lĩnh vực này, những dấu ấn  của quá khứ luôn luôn kế tiếp nhau trầm tích lại, tạo nên những tầng lớp tiến triển khác nhau. Miền Bắc là xuất phát điểm rồi đến miền Trung và sau cùng là miền Nam. Bước vào thế kỷ XIX toàn thể nước ta từ Nam chí Bắc đặt dưới chính thể quân chủ tập quyền  triều Nguyễn, hay còn được gọi là chế độ phong kiến.
Mặc dù nhà nước và nhân dân  hăng hái tích cực khai phá mở mang khắp nơi nhưng tổng số ruộng đất canh tác được trên  toàn quốc cũng mới đạt tới con số hơn 4,6 triệu mẫu (theo thống kê chưa chính xác và còn dưới sự thật của cuốn Đại Nam nhất thống chí). Cũng theo tài liệu này thì Bắc kỳ có số ruộng đất lớn nhất (hơn 2,6 triệu mẫu), Trung kỳ gần 1,5 triệu mẫu, Nam kỳ mới có hơn nửa triệu mẫu. Ruộng đất trong nước có thể chia ra 3 loại chính:
1. Ruộng đất tư nhân
2. Ruộng đất công làng xã
3. Ruộng đất của nhà nước
Loại ruộng đất tư nhân chiếm đại bộ phận tổng số ruộng đất trong nước. Nam kỳ là nơi có nhiều ruộng đất tư nhất. Là một vùng đất mới, Nam kỳ chỉ có ruộng công xã thôn từ  1836 và số lượng cũng ít. Ruộng đất công xã thôn cũng có số lượng đáng kể, khoảng trên  dưới 30% tổng số nhưng tập trung ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Loại ruộng đất của nhà nước (đồn điền, tịch điền, quan điền, quan trại, các loại đất hoang…) chiếm tỷ lệ nhỏ, rất nhỏ trừ loại đất hoang. Loại này do nhà nước trung ương thông qua các cấp chính quyền địa  phương trực tiếp quản lý (trông nom và canh tác). Các loại ruộng đất làng xã và tư nhân tập trung ở các vùng nông thôn trên toàn quốc được chính quyền Trung ương giao cho các tỉnh, huyện, xã quản lý toàn diện. Các loại ruộng tư phải nộp thuế, nếu không sẽ bị nhà nước tịch thu. Tuy nhiên đó là một thứ tài sản gia đình dòng họ hay tư nhân, được quyền tùy ý mua bán, trao tặng hay thừa kê… Các loại ruộng đất làng xã phải chia định  kỳ cho các dân đinh và phải nộp thuế. Về mặt pháp lý có thể nói quyền sở hữu tư nhân ở đây là một quyền sở hữu không trọn vẹn và triệt để. Quyền sở hữu ruộng đất làng xã cũng do nhà nước tước đoạt. Đó là một kết cấu các loại ruộng đất mà quyền sở hữu đều không triệt để. Đó cũng là tính chất của một chế độ quân chủ chuyên chế. Về mặt quản lý thì bộ  máy chính quyền xã thôn trở thành then chốt quyết định mọi việc với dân và với chính  quyền cấp trên. Từ thực tế này đã nảy sinh ra cái tệ điêu hào lũng đoạn nông thôn, tệ  “dối trên lừa dưới”, ẩn lậu ruộng đất đinh điền thuế má,… Vì vậy nông dân nổi lên đấu tranh chống hào lý là một hiện tượng thường xuyên như một truyền thống ở nông thôn.  Bên cạnh đó là hiện tượng tranh kiện về ruộng đất giữa các cá nhân hoặc dòng họ liên  miên xảy ra đến mức triều Nguyễn phải ra một quyết định chỉ giải quyết các vụ việc xảy ra trong vòng 30 năm tính tới thời điểm khiếu kiện, còn các sự việc xảy ra trên 30 năm,  trong lịch sử quá khứ thì không giải quyết. Từ những thực tế đó có thể thấy rõ rằng trong  điều kiện một xã hội như trên, quyền sử dụng quan trọng hơn quyền sở hữu. Hay nói cách  khác, quyền sử dụng có khuynh hướng thay thế quyền sở hữu (về mặt xã hội, một điều đồng hành với xu hướng này là ở xã hội như thế, đẳng cấp quan trọng hơn giai cấp, đẳng cấp có xu hướng thay thế giai cấp).
Gạo Nam kỳ chuyển về Chợ Lớn để xuất cảng
Từ nửa sau thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, đất nước ta bị thực dân Pháp chiếm trị lần lượt từ Nam kỳ ra Bắc kỳ và Trung kỳ với hai chế độ khác nhau: Thuộc địa trực trị ở Nam kỳ và chế độ Bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ. Chính vì vậy những nét khác biệt trong quản lý ruộng đất được đẩy lên mức độ rất cao giữa hai miền đó. Ở Nam kỳ, chính quyền  thực dân du nhập và phát triển mạnh mẽ quyền sở hữu tư nhân trọn vẹn và triệt để như ở  Pháp đối với các đại điền chủ Pháp và Việt. Đại bộ phận nông dân đi làm tá điền. Loại ruộng đất của xã thôn bị giảm xuống còn một tỷ lệ là 3% ở mỗi thôn xã theo quy định của chính quyền. Các loại ruộng đất của nhà nước chỉ còn là các đất hoang và luôn được bán  cho các địa chủ lớn nhỏ Pháp và Việt. Do địa lý tự nhiên kết hợp với những chính sách  quản lý thực dân, Nam kỳ lội ngược dòng trở thành miền có số lượng ruộng đất to lớn nhất so với Bắc kỳ và Trung kỳ (xem bảng kê dưới đây). Đồng thời Nam kỳ trở thành nguồn xuất cảng có danh tiếng về lúa gạo và cao su ra thị trường quốc tế, làm giàu cho tư  bản thực dân Pháp. Không những số lượng ruộng đất to lớn mà quy mô ruộng đất của các  đại địa chủ cũng rộng tới hàng trăm ngàn hecta, bao trùm đất đai của nhiều huyện, xã thuộc mấy tỉnh. Vì vậy bộ máy quản lý một xã thôn không thể có quyền hành gì với các đại địa chủ kể cả Việt và Pháp. Lớp địa chủ này chỉ chịu sự quản lý về thuế lệ của các  cấp chính quyền chí ít từ huyện, tỉnh lên tới phủ Thống đốc Nam kỳ. Do đó có thể nói  việc quản lý ruộng đất ở Nam kỳ mang tính chất trực tiếp từ chính quyền Trung ương tới  các chủ ruộng. Bộ máy quản lý xã thôn không đóng vai trò then chốt trong sự quản lý này.
Cày ruộng ở Nam kỳ
Dưới chế độ Bảo hộ ở Bắc kỳ và Trung kỳ, nhiều biến đổi đã diễn ra trong lĩnh vực quản lý ruộng đất cho tới trước 1945. Cũng tương tự như ở Nam kỳ, quyền sở hữu tư  nhân về ruộng đất được khẳng định bằng luật pháp do Pháp và Nam triều ban hành. Quyền sở hữu này được trao cho các hạng địa chủ Pháp và Việt. Các địa chủ Pháp sở hữu những đồn điền rộng lớn hàng vạn hecta. Nhưng các địa chủ Việt phần đông sở hữu những diện tích nhỏ hơn nhiều và tập trung tại các làng xã ở nông thôn. Theo những tài liệu chính thức của Pháp những năm sau 1930, số lượng ruộng đất canh tác lúa ở ba  miền như sau:
Bắc kỳ: 3.733.480 mẫu Bắc  bộ, tức 1.244.493ha.
Trung kỳ: 954.548ha.
Nam kỳ: 2.320.622ha.
Cả nước có 4.519.663ha.
Rõ ràng diện tích ruộng lúa ở Nam kỳ nhiều gần gấp 2 lần Bắc kỳ và diện tích ruộng lúa cả nước cũng đã tăng gần gấp 2 lần. Còn về các địa chủ và quy mô sở hữu thì như sau: (H.1)
Sở hữu chủ
Nam kỳ
Bắc kỳ
Trung kỳ
Số chủ ruộng có dưới 1 mẫu
Tỷ lệ
85.931
33,68%
594.091
61,63%
449.391
68,5%
Số chủ  ruộng có trên 100 mẫu
Tỷ lệ
2.693
1,04%
252
0,02%
51
0,008%
Như vậy, sở hữu tư nhân thực sự trọn vẹn về ruộng đất được thiết lập giống nhau ở cả 3 miền đất nước. Nhưng quy mô sở hữu lại khác nhau rất xa. Nói chung miền Nam sở hữu lớn, miền Bắc và miền Trung sở hữu nhỏ. Bên cạnh đó, điều rất đặc biệt là chính quyền  thuộc địa có chính sách duy trì các làng xã ở xứ Bảo hộ ngay từ cuối thế kỷ XIX. Cùng  với nó là chính sách duy trì, thậm chí củng cố và phát triển chế độ ruộng đất công làng xã. Người Pháp thú nhận rằng họ rất bối rối trước quyền sở hữu làng xã đối với công điền công thổ và đó là nguyên nhân đẩy tới chính sách duy trì các làng xã với bộ máy hào lý như xưa dù rất muốn cải cách sửa đổi nó mấy lần. Thế là những nét tiêu cực cũ lại được  lập lại. Bộ máy xã thôn lại quản lý ruộng đất công và tư ở nông thôn Trung, Bắc kỳ và chúng lại hoành hành như xưa. Số lượng ruộng đất công xã thôn tuy không lớn bằng ruộng tư nhưng cũng đáng kể với người nông  dân nghèo. Có nhiều làng xã ở đồng bằng sông Hồng có số lượng công điền công thổ lên tới gần 100%. Nhìn chung tỷ lệ bình quân ruộng đất công làng xã ở ba miền như sau (cũng theo tài liệu chính thức của Pháp năm 1930).(H.2)
Miền
Ruộng công
Ruộng tư
Tỷ  lệ
Bắc kỳ
649.292 mẫu
3.084.188 mẫu
21%
Trung kỳ
194.448 ha
760.100 ha
25,58%
Nam kỳ
60.862 ha
2.259.760 ha
2,69%
Rõ ràng ở Bắc và Trung kỳ số lượng công điền công thổ khá đáng kể, nhất là đối với người nông dân nghèo không ruộng đất. Điều đáng quan tâm hơn nữa là việc chia công điền. Đây không phải là việc chia quyền sở hữu mà là chia quyền sử dụng theo định kỳ 3  năm một lần theo quy định của nhà nước, theo các đẳng cấp cao thấp và nhiều ít khác nhau. Lẽ đương nhiên người được chia công điền không có quyền đem bán khẩu phần  được chia. Toàn bộ việc chia quyền sử dụng ruộng đất công xã nông thôn được chính  quyền thuộc địa giao trọn cho bộ máy quản lý xã thôn tức là các hào lý nông thôn. Ta lại  thấy ở đây vai trò then chốt của bộ máy xã thôn này, cùng với những tệ nạn mà chúng gây ra trên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội xã thôn.
Trên phạm vi toàn quốc cần chú ý đến chính sách quản lý các loại ruộng đất của nhà  nước. Ở cả Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ, chính quyền thực dân luôn luôn đem các loại đất thuộc nhà nước bán hay bán rẻ như  trao tặng nhiều khoảnh to lớn cho các địa chủ Pháp, Việt, hoặc tôn giáo (Nhà Chung), tạo  nên những đẳng cấp đặc quyền đặc lợi, chỗ  dựa cho chế độ thực dân. Như vậy cái gọi là sở hữu nhà nước đã phục vụ đắc lực cho lợi ích của chế độ thuộc địa. Lúc đầu thực dân Pháp rất muốn tước đoạt cả các loại công điền công thổ của làng xã làm sở hữu nhà nước. Nhưng ý đồ đó không thực hiện được vì nhiều lý do, chủ yếu là gặp sự phản kháng quyết liệt và hợp lý của các làng xã. Sau đó, từ 1923  chính quyền thực dân muốn trước hết đảm bảo sự yên ổn của đất Bảo hộ nên đã quay  hẳn sang chính sách duy trì làng xã, duy trì, củng cố các loại công điền công thổ của xã thôn.
Từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH), nhân dân cả nước bắt đầu được hưởng những quyền lợi dân tộc dân chủ. Từ trước 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra khẩu hiệu ruộng đất  về tay dân cày hay người cày có ruộng và đấu tranh trước hết chia công điền một cách  công bằng. Từ sau 1945 và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính phủ nước Việt Nam DCCH đã tiến hành tịch thu nhiều ruộng đất của thực dân và Việt gian chia cho  nông dân nghèo, thực hiện việc giảm tô tức, chia hẳn các loại công điền làng xã cho dân cày nghèo, xóa bỏ chế độ ruộng đất công làng xã, mở rộng bộ phận ruộng đất tư hữu (sở  hữu tư nhân đích thực), tiến hành cải cách ruộng đất từ 1953. Sau đó năm 1956 cũng như vào năm 1994, Đảng ta đã xác nhận cải cách ruộng đất là một sai lầm từ chủ trương cho  đến biện pháp. Bởi nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là vì cho đến 1953, thì “người cày  đã có ruộng” và sở hữu tư nhân về ruộng đất của nông dân đã phát triển rộng khắp trên toàn quốc. Theo một bản thống kê của Ủy ban Cải cách ruộng đất thì trước 1953, số ruộng đất chia cho nông dân đã đạt 72,56%  tổng số cần chia, nên trong cải cách ruộng đất chỉ còn lại 27,44%. Điều đáng nhấn mạnh ở đây là Chính phủ Việt Nam DCCH đã  xác lập, củng cố và phát triển sở hữu tư nhân về ruộng đất, xem đó là một mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Việc quản lý ruộng đất vì thế trở nên nhẹ nhàng  hơn và chính quyền xã về cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề cho cuộc kháng chiến.
Từ sau 1954 trong vòng hơn 20 năm tiếp theo, đất nước ta bước vào một giai đoạn đặc biệt, có thể gọi chung là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong giai đoạn này miền Nam có hai vùng, vùng tự do của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và vùng do chính quyền Sài Gòn quản lý. Vùng tự do, tình hình ruộng đất về cơ bản vẫn tiến triển như cũ. Vùng của chính quyền Sài Gòn có nhiều xáo trộn và lớp đại  địa chủ có xu thế phát triển trở lại. Cùng với nó là bộ máy xã thôn trở thành công cụ của chính quyền. Trong khi đó ở miền Bắc, một hiện tượng chưa từng có đã diễn ra trong lĩnh  vực quản lý ruộng đất. Đó là công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp. Về mặt quyền sở hữu ruộng đất thì hợp tác hóa nông nghiệp là sự chuyển đổi toàn bộ sở hữu tư nhân ở nông thôn miền Bắc trở thành sở hữu tập thể, chỉ còn lại 5% thuộc sở hữu hộ gia đình. Điều đó  có nghĩa sở hữu tư nhân về ruộng đất bị xóa bỏ hoàn toàn trong 95% tổng số ruộng đất. Người nông dân không có quyền sở hữu kể cả quyền sử dụng ruộng đất vốn xưa kia của mình. Trong hơn 20 năm này, dù toàn bộ nông thôn là các Hợp tác xã nông nghiệp mà  Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đó toàn quyền quyết định đời sống nông dân, vượt trên cả chính quyền xã. Có thể nói nếu sở hữu tư nhân về ruộng đất làm giàu cho nông nghiệp  thì sở hữu tập thể đem lại thắng lợi cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó các bộ máy chính quyền xã thôn càng có nhiều quyền bao nhiêu trong việc quản lý ruộng  đất thì nó càng đóng vai trò then chốt bấy nhiêu trong việc nắm vận mệnh người nông dân.
Cái nhìn tổng thể trên đây về lịch sử quản lý ruộng đất mới chỉ quan tâm nhiều đến quyền sở hữu mà chưa đề cập bao nhiêu đến quyền sử dụng ruộng đất, dù đã nhấn mạnh rằng quyền sử dụng có xu hướng thay thế quyền sở hữu. Ngoài ra chưa có sự lưu ý đến đất đai  các loại ngoài ruộng lúa kể cả đất thổ cư. Cái nhìn tổng thể trên đây cũng đã đề cập khá rõ về vai trò then chốt của bộ máy xã thôn, cũng như về các đẳng cấp đặc quyền trong việc quản lý ruộng đất nhà nước thời thực dân. Những vấn đề này sẽ được nhìn nhận một  cách đại cương trong giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét