Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Viện nhân dân đại biểu Trung kỳ và Viện trưởng Hoàng Văn Khải


TẠP CHÍ XƯA & NAY

Viện nhân dân đại biểu Trung kỳ và Viện trưởng Hoàng Văn Khải

Số 404 (6 – 2012)
Lê Xuân Kỳ
Sự ra đời của Viện Dân biểu Trung kỳ
Viện “Nhân dân đại biểu Trung kỳ” được thành lập ngày 24-2-1926 do nghị định của Toàn quyền Đông Dương Varenne. Thật ra Nghị định ngày 24-2- 1926 chỉ là đổi tên một hội đồng trước đó đã được thành lập ngày 6-11-1925 là “Hội đồng tư vấn Trung kỳ”.
Nhiệm vụ của Viện Dân biểu là góp ý với Chính phủ về các vấn đề liên quan đến dân chúng bản xứ, chính phủ Bảo hộ phải tham khảo Viện Dân biểu về ngân sách, thuế khóa và các công trình công cộng ở Trung Kỳ.
Ngày 3 tháng 7 năm 1933, hoàng đế Bảo Đại qua chỉ dụ 45 thì Viện Dân biểu Trung kỳ phải bao gồm đại diện của ba khối tầng lớp: dân đinh không phải là thương gia (cứ 30.000 dân được bầu một đại biểu), thương gia có đóng thuế môn bài và dân đinh các dân tộc thiểu số. sắc dụ này cũng lập ra một ủy ban thường trực gồm ba thành viên.
Đối với tiêu chuẩn cử tri, chính quyền chọn trong số 50 suất đinh mới được một cử tri. Cử tri và ứng viên phải là công dân có nghề nghiệp, hoạt động hợp pháp.
Nhiệm kỳ của các ủy viên là bốn năm. Mỗi năm viện họp một khóa tại Huế, do vua ra chi dụ triệu tập, theo đề nghị của thượng thư Bộ Lại, sau khi đã được khâm sứ Pháp đồng ý. Viện Dân biểu Trung kỳ có sự góp mặt của nhiều nhà yêu nước Việt Nam nổi tiếng và đầy ảnh hưởng như Huỳnh Thúc Kháng, viện trưởng đầu tiên của Viện; Hoàng Văn Khải, cựu chính trị phạm đã từng bị giam cầm đầy ải ở nhà lao Côn Đảo, viện trưởng nhiệm kỳ 1937 – 1940; và Phan Thanh, đại biểu nhiệm kỳ 1937 – 1940…
Đương thời trên đất Việt Nam có 3 viện dân biểu là Viện Dân biểu Bắc kỳ, Viện dân biểu Trung kỳ và Hội đồng quản hạt Nam kỳ. Báo chí thời ấy (thời kỳ 1936 – 1940) thường viết bài chê bai Nghị viện Bắc kỳ và Nam kỳ và khen ngợi, khuyến khích cổ vũ chí khí của các ông nghị Trung kỳ, đặc biệt là người đứng đầu của Viện, cử nhân Hoàng Văn Khải. Báo chí chỉ trích các ông nghị Bắc kỳ rất gay gắt. Báo Dân chúng số 22 ngày 5-10-1938 viết:
“Cuộc tuyển cử viện trưởng đã mang tới cho viện Dân biểu một vết xấu xa, nghĩa là các ông tranh đấu nghị trường không phải dùng con đường chính trị, mà lại dùng lối rượu thịt, đĩ bợm, thực là những chuyện hết sức thô bỉ, đê hèn chưa từng thấy trên cuộc vận động ở nghị trường ở nước nào.
Từ lúc tuyển cử Viện Dân biểu cho tới tuyển cứ viện trưởng, mùi rượu thịt vẫn khai nặc! Làm cho những người có đầu óc tỉnh táo, hít tới không khí ấy cũng phải váng đầu!”
Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc kỳ Phạm Lê Bổng được báo giới cho là “bảo hoàng”, “bất tín”, “nặc mùi rượu thịt”, “không biết xấu hổ với nhân dân, với đồng bào, không biết giữ tư cách…”
Viện Dân biểu Bắc kỳ có 120 ông nghị.
Ở Nam kỳ cơ quan dân cử này gọi là Hội đồng Quản hạt có 24 đại biểu (12 đại biểu người Pháp, 12 đại biểu người Nam). Báo Dân chúng nhận xét:
“Xứ Nam kỳ là một xứ trực tiếp do chính phủ Pháp cai trị. Số người đã ít mà lại bắt buộc phải biết viết biết nói tiếng Tây và các điều kiện khác, hầu hết là đại biểu của một số” rất tư bản và địa chủ.
Cách làm việc của ban hội đồng quản hạt không có tính chất nghị trường, có việc gì quan trọng thì họ thầm thì trước với nhau, rồi sau đưa ra hội đồng bỏ phiếu, như vụ cử ông Bùi Quang Chiêu làm hội trưởng vừa rồi, do các ông hội đồng Tây, Nam thầm thì nhau trước, nghĩa là nhân hoàn cảnh mới các ông Tầy định nhả ghế ấy ra để nhượng cho ông Bùi. Lối tuyển cử này gọi là lối bao biện.
Tuy vậy, một lần đầu người bản xứ được ngồi ghế hội trưởng của hội đồng quản hạt, đứng về phương diện dân tộc, chúng tôi cũng ủng hộ sự bình đẳng ấy.
Song đó chỉ là một quyền lợi rất nhỏ rất hẹp hòi mà thôi, các ông nghị An Nam hãy cùng với nhân dân tranh đấu đòi cho được dân tộc bình đẳng về các phương diện thì việc bình đẳng ở hội đồng mới có giá trị. Song cũng cần nhắc cho các ông và các lớp nhân dân hiểu rằng sự bình đẳng số nghị viện ở hội đồng chỉ là sự bình đẳng mặt ngoài mà thôi. Một ngày kia lúc mà hội đồng đã có người đại biểu của nhân dân đã thích bàn về quyền lợi của dân bổn xứ, thì lúc ấy sự bình đẳng sẽ trở nên bất bình đẳng, nghĩa là nếu chiếu theo số đông của dân bổn xứ mà cử ra nhiều đại biểu hơn đại biểu người Pháp thì mới thật là bình đẳng”.
Cũng tờ báo trên đưa tin về việc bầu cử chức viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ:
“Hiện nay Viện Dân biểu Trung kỳ tuy chỉ có 50 đại biểu, nhưng xét về công tác đã qua và thành phần của đại biểu, ta có thể cho là tiến bộ hơn cả Nam kỳ và Bắc kỳ. Viện có bản chương trình hành động chính trị cấp tiến hợp thời.
Tuy trong viện có 6 ông đại biểu ở Trung kỳ do chính phủ chỉ định và có một số hữu phái, cấp tiến vẫn chiếm đa số. Trong vụ tuyển cử viện trưởng vừa rồi, ông Hoàng Văn Khải là ông già, cựu chính trị phạm tranh với ông Phạm Văn Quản cựu nghị trưởng về khóa dân biểu năm xưa.
Lần đầu bỏ thăm mỗi ông được 24 phiếu và 2 phiếu trắng. Lần thứ hai, bỏ dồn hết phiếu cho ông Hoàng; phái cấp tiến đắc cử.
Đó cũng là một cái biểu hiện của các ông đại biểu có xu hướng cấp tiến và dân chủ. Viện bầu viện trưởng có chính trị giác ngộ.
Viện Dân biểu Trung kỳ sở dĩ có nhiều ông dân biểu có tư cách đại biểu nhân dân, đều do nhân dân Trung kỳ đã trải qua nhiều cuộc tranh đấu oanh liệt, họ đã giác ngộ chính trị, họ biết cẩn thận lựa chọn đại biểu. Hai là Viện Dân biểu Trung kỳ tuyển cử trong điều kiện mới, điều kiện mà Mặt trận bình dân Pháp thắng lợi, chính phủ Blum Chautemps cầm chính quyền.
Chúng tôi hy vọng rằng nhân dân Trung kỳ với những ông dân biểu cấp tiến hãy mật thiết bàn bạc với nhau hơn nữa, để sửa đổi chế độ sưu thuế cho công bằng…”.
Về Viện Dân biểu Trung kỳ chúng tôi xin nói thêm: Có những ý kiên khác nhau về ngày ra đời và ngày kết thúc hoạt động của Viện. Chúng tôi cũng xin khẳng định ngày ra đời là ngày 24-2-1926 do Nghị định của Toàn quyền Varenne và ngày kết thúc là ngày 12-5-1945 do đạo dụ số 13 “bãi miễn Viện Dân biểu Trung kỳ” của hoàng đế Bảo Đại sau khi Nhật đã đảo chính Pháp. Viện Dân biểu Trung kỳ trước sau có 4 viện trưởng là Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Quản, Hoàng Văn Khải và Nguyễn Phúc Ưng Bình (Ưng Bình (1877 — 1961), cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh). Trụ sở của viện hiện là số 3 đường Lê Lợi (Huế), nay đặt văn phòng Đại học Huế.
Về hoạt động của Hoàng Văn Khải ở Viện Dân biểu Trung kỳ
Trong đời Hoàng Văn Khải có 3 giai đoạn hoạt động sôi nổi. Đó là:
Thời kỳ sau năm 1906, đậu cử nhân, không ra làm quan, ở nhà đọc tân thư, tham gia phong trào chống thuế. Rồi đi tù ở Côn Đảo.
Đây là thời kỳ “tam thập nhi lập”, ông lập thân bằng con đường làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Cách mạng do ông và các đồng chí chưa thành nhưng để lại bài học cho hậu thế. Kể ra học hành như ông nếu muốn cầu vinh thiếu gì con đường nhưng ông đã chọn con đường của người trai đất Việt, con đường làm cách mạng.
Thời kỳ ông cùng Nguyễn Đan Quế phát triển Tân Việt cách mạng Đảng (1927) ở Thanh Hóa. Đây là thời kỳ tiếp tục chọn đường và nhường chỗ cho những đảng viên trẻ đi theo “đường cách mạng” của Nguyễn Ai Quốc. Ông lại trở về địa phương, đóng cửa đọc sách nhưng vẫn liên lạc với những người cộng sản. Lòng ông vẫn đau đáu nghĩ về nỗi nước nhà.
Thời kỳ sau năm 1936, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đảng bộ Thanh Hóa đã vận động cụ Khải là một trong số năm ứng cử viên bầu vào Viện Dân biểu Trung kỳ. Kết quả ông Khải trúng cử ở địa bàn thị xã Thanh Hóa. Là nghị viên dân biểu, ông Khải ủng hộ sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ, việc gì có lợi cho dân thì bảo vệ, có hại cho dân thì từ chối khéo. Trước khi lên đường vào Huế dự phiên khai mạc, ông đem theo nguyện vọng của nhân dân Thanh Hóa ký thác.
“2.894 dân đinh tỉnh Thanh Hóa ở Trung kỳ đã đưa cho các ông Dân biểu rất nhiều nguyện vọng có đủ đồng triện, cai phó tổng, lý trưởng, hương bộ để các ông dùng làm tài liệu vào viện mà cạn thiệp binh vực quyền lợi cho họ và để nhờ các ông đề đạt lên chính phủ:
1. Mở rộng quyền hạn dân viện.
2. Tự do dân chủ.
3. Giảm thuế điền thổ, sửa đổi thuê thân cồ lợi cho dân nghèo.
4. Chống nạn thất học một cách có hiệu quả.
5. Thi hành triệt để luật lao động.
6. Bỏ hẳn lệ tư ích.
7. Toàn xá chính trị phạm. Ngoài những nguyện vọng chung ấy họ còn xin những điều:
a. Bỏ thuế nước nông giang cho những ruộng không được hưởng lợi về nông giang (ở Thọ Xuân, Quảng Xương…).
b. Bỏ thuế khống thụ điền thổ (ở Hà Trung…)
c. Sửa đổi lại lệ định về việc trồng và buôn thuốc lào.
d. Hủy bỏ nghị định cấm làm muối thi hành đã mấy năm nay (ở Hậu Lộc, Quảng Xương).
e. Cho dân nghèo tự do đốt than, hái củi khỏi phải nộp thuế (ở Cẩm Thủy, Thọ Xuân).
f. Trừng trị nghiêm khắc những kẻ thừa hành nhũng nhiễu dân về vụ Công trái quốc phòng (ở Nông Cống, cẩm Thủy, Vĩnh Lộc).
g. Bồi bổ đê điều để chống nạn lụt lội (ở Hà Trung),
h. Không được bắt dân phu lên huyện để nhận và đưa công văn cho cai phó tổng (ở Vĩnh Lộc).
i. Đào kênh tích thủy để chống nạn lụt lội (ở Vĩnh Lộc).
k. Cứ ba năm lý trưởng phải trù lại một lần.
1. Lập danh sách cử tri bầu tỉnh hạt hội viên và dân biểu cho rành mạch, bầu các ủy viên hương thôn phải theo đúng dụ số 45 ngày 3-7-1933…”.
(Báo Dân chúng số 23 ngày 8-10-1938).
Ở phiên họp đầu tiên, ông đã vượt qua sự tín nhiệm để trở thành viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. “Ông già, cựu chính trị phạm” đã thắng, mặt trận Dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thắng.
Ông đã đọc bài diễn văn súc tích, khôn khéo nhưng kiên quyết, các quan Tây, ta từ quan khâm mạng, khâm sứ… lần đầu tiên được nghe một ông già nhà quê Thanh Hóa phát biểu, thẳng thừng bác bỏ dự luật tăng thuế, đại xá tù chính trị, đòi tự do dân chủ và khi hội nghị bế mạc bài diễn văn của ông được dư luận rất ngợi khen.
Bài diễn văn bế mạc của ông Hoàng Văn Khải viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ đọc hôm 21-9-1938.
“Thưa quan Khâm mạng,
Thưa quan đại diện quan Khâm sứ đại thần,
Thưa các ngài.”
Hội đồng thường niên thứ hai của dân viện chúng tôi hôm nay đã đến ngày kết liễu. Trước khi bế mạc chúng tôi muốn đem một tấm chân thành vị quốc vì dân mà trưng cầu cùng hai chánh phủ, mong rằng hai chính phủ lưu ý ngay cho.
Viện chúng tôi thành lập đến nay đã 12 năm rồi, chúng tôi chưa tìm thấy một năm nào mà chúng tôi đứng trước một tình thế nghiêm trọng như năm nay.
Trước tình thế nguy ngập như vậy mà chính phủ lại đưa ra bản dự án có tính chất tăng thuế, chúng tôi thiết nghĩ đó là một điều rất bất hợp thời.
Chúng tôi cũng nhận trên nguyên tắc bản dự án của chính phủ vẫn nhằm vào mục đích nhân đạo và công bằng, nhưng xét đến phương pháp thực hành thì chúng tôi lại thấy kết quả chỉ làm cho dân nghèo và giai cấp trung lưu thêm nặng gánh.
Dân Trung kỳ chúng tôi đất hẹp người nhiều, thuế khóa nặng nề, sự sống muôn phần cực khổ, ấy thế mà nhà nước lại tăng gia thuế khóa trong lúc này, chúng tôi lo ngại không biết rồi đây chúng tôi có thể gánh vác được không. Những lý do mà nhà nước viện để tăng thuế, viện chúng tôi đã xét kỹ và đã thấy rằng những lý do ấy chưa phải là cần kíp.
Trong mười ngày họp hội đồng chúng tôi đã tiếp hơn 300 lá đơn kêu cứu lại còn tiếp được 74 bức điện tín và nhiều tin tức các cuộc biểu tình ở thành phố và thôn quê, đều chứng tỏ rằng dân chúng tôi nghèo khổ quá không thể nào nạp thuế thêm nữa được. Cái thái độ của viện chúng tôi đối với vấn đề thuế khóa tức là phản ảnh của nguyện vọng dân chúng và chúng tôi hết sức mong rằng nhà nước trong những giờ nghiêm trọng này không nên vì vấn đề thuế khóa mà để cho dân chúng tôi thêm một lần thất vọng nữa.
Còn về các điều tự do dân chủ, viện chúng tôi đã nhắc đi nói lại ở nghị trường này nhiều lần lắm rồi mà. vẫn chưa được chính phủ thi hành.
Một điều nên mừng là vừa rồi sắc lệnh của quan Tổng thống Pháp hủy bỏ sắc lệnh năm 1898 cho báo giới Đông Dương được xuất bản tự do. Nhưng nghe đâu, chính phủ Đông Dương định ban hành riêng cho xứ Nam kỳ thôi. Chúng tôi thiết tưởng cũng đồng chung một dân tộc, có bảo hộ cũng như thuộc địa mà Trung kỳ chúng tôi không được hưởng thì chúng tôi rất lấy làm phàn nàn lắm.
Nhân tiện chúng tôi cũng nhắc lại vấn đề lập hội ái hữu. Trong lúc luật nghiệp đoàn chưa thi hành, chính phủ có hứa công nhận cho các lớp lao động lập hội ái hữu, ấy thế mà trong hai năm nay không biết bao nhiêu đoàn thể đưa đơn xin phép lập hội ái hữu đã gặp nhiều sự khó khăn trong việc thành lập. Chúng tôi rất lấy làm phàn nàn.
Một tiếng kêu thống thiết nữa của nhân dân chúng tôi là trông mong chính phủ đại xá tù chính trị. Những hạng người ấy vì một lý tưởng chính trị mà phải bị tù tội giam cầm chịu đau khổ đến nay kể cũng lâu lắm rồi. Thi cái ân ấy cho họ, chính phủ sẽ giảm bớt được bao nhiêu nỗi oán thán trong dân gian. Nhà nước không nên lo xa rằng họ sẽ như ngựa quen đường cũ. Không đâu, gặp một chính phủ minh chánh khoan hồng, họ sẽ tận tâm cộng tác để làm việc ích lợi cho dân cho nước.
Nói đâu xa chính ngay như tôi đây cũng chung cái kiếp áo xanh tưởng chừng đã bỏ xác ở Côn Đảo, đến khi đem mảnh thân già về nơi cố thổ thì cũng tưởng rằng, thôi thì đóng cửa xem văn, chớ cũng không muôn ra dự việc đời làm chi nữa, ấy thế mà đến khi gặp một chính phủ còn biết trọng dân quyền, còn biết nghĩ đến dân sinh, trước sự thôi thúc của quần chúng và tiếng gọi của phận sự tôi lại ra cộng tác với chính phủ để mưu cầu hạnh phúc cho quốc dân. Cái thái độ của tôi là một cái biểu hiện chứng rằng khi nào chính phủ thiệt khoan hồng, minh chánh thì sự đại xá chính trị phạm không lẽ gì để đến cho chính phủ lo ngại, mà trái lại là một điều ân huệ cần thiết trong hoàn cảnh này vậy. Năm ngoái viện chúng tôi đá yêu cầu đại xá chính trị phạm một lần rồi, năm nay chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa.
Thưa anh em đồng viên,
Trước khi bế mạc tôi không thể không ngăn cản sự mừng rỡ của tôi mà nói to lên rằng viện chúng ta kỳ hội đồng năm nay có hai cái đặc điểm rất đáng ghi nhớ: một là sự đồng tâm hiệp tác, hai là cách làm việc đã có trật tự quy củ.
Trước bao nhiêu vấn đề chính phủ đưa ra hỏi ý kiến chúng ta mà nhất là vấn đề thuế đinh điền, anh em cả toàn viện đã biết hy sinh các quyền lợi nhỏ mọn, những tư tưởng đảng phái mà chung sức nhau lại để làm việc như thế thật quý hóa vô cùng.
Đó là một cái bằng chứng trước vấn đề sanh mạng của dân chúng, anh em chúng ta đã biết đồng tâm hiệp lực để bênh vực quyền lợi cho dân. Cái tinh thần đoàn kết và cách làm việc có trật tự của chúng ta đã tỏ ra có thể thống đối với chính phủ lại ảnh hưởng lớn trong nhân dân. Mà việc làm có ảnh hưởng, có thể thống, thì chính phủ mới lưu ý đến những lời đề nghị yêu cầu và phê bình của chúng ta.
Tôi mong rằng dân biểu ta luôn luôn giữ chặt tinh thần đoàn kết ấy và sắp đặt cách làm việc cho hoàn hảo thêm, để cho chính phủ nới rộng quyền hạn của viện.
Như thế chúng ta mới khỏi phụ tấm lòng tín nhiệm của 6 triệu đồng bào đã gởi cho chúng ta.
Nhân tiện tôi xin thay mặt cho toàn viện cám ơn các quan đại diện chính phủ, Nam triều và Bảo hộ cùng các quan cố vấn, các quan giám đốc, các viên chức ty thuộc đã đến dự mấy kỳ hội đồng này của viện chúng tôi và thảo luận một cách chu đáo với chúng tôi về tất cả các vấn đề xã hội, kinh tế xứ này.
Chúng tôi xin cám ơn các quan Tây Nam và các nhân viên, các nhà báo đã đến dự lễ bế mạc này. Tôi xin hô to:
Đại Pháp vạn tuế.
Đại Nam vạn tuế.
Pháp Nam hợp tác vạn tuế”.
Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn có một ý kiến ngắn về Hoàng Văn Khải. Năm 1940, hết nhiệm kỳ ông trở về quê, người ta không gọi tên ông do cha mẹ đặt mà gọi ông là Cử Ngò, ông Cử nhân làng Ngò. Ông có người em là Hoàng Tiến Cửu cũng đậu cử nhân sau ông hai khóa (1912), người ta gọi là Cử Hai (có lẽ Cử Cả là Hoàng Văn Khải). Cũng như anh, Cử Hai không ra làm quan mà ở nhà dạy học, làm thuốc. Tôi được gặp ông nhiều lần, có lần mẹ tôi gần chết, ông cắt cho ba thang thuốc, bà uống xong lại sống đến năm 80 tuổi. Có một điều lạ, sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục đều ghi hai ông quê quán làng Ngò Xá nhưng ông anh là ở huyện Lôi Dương còn ông em ở huyện Thụy Nguyên. Tôi được một cụ già cho biết “Sách viết như thế là đúng”. Đất làng Ngò năm 1906 thuộc tổng Lôi Dương, huyện Lôi Dương, năm 1910 tổng ấy chuyển về Thụy Nguyên, sau là Thiệu Hóa. Cao Xuân Dục viết về hành trạng của Hoàng Văn Khải chỉ có hai chữ cụt lủn: Can án, viết như thế là khôn khéo, không ghi ông chống thuế phải đi Côn Đảo.
Ông Cử Ngò có người con gái về làm dâu ở Thọ Xuân. Bà là vợ của ông Nguyễn Mậu Kiện, ông Kiện là học sinh Quốc học Huế năm 1938 – 1939 về hoạt động ở Thiệu Hóa, kết nạp Đảng ở Thiệu Hóa. Khi lấy vợ, chắc ông và tổ chức Đảng đã nghiên cứu lý lịch ba đời nhà gái. Điều ấy chứng minh rõ ràng tổ chức lúc ấy vẫn coi Cử Ngò là một nhân sĩ, một chiến sĩ, một nhân vật đáng được tôn kính, quý trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét