Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Quản lý vĩ mô ruộng đất từ thế kỷ XIX đến thời Pháp thuộc


TẠP CHÍ XƯA & NAY

Quản lý vĩ mô ruộng đất từ thế kỷ XIX đến thời Pháp thuộc

Vũ Huy Phúc
Số 405 (6 – 2012)
Ruộng đất luôn gắn liền với vấn đề nông dân và nông nghiệp. Vì vậy, việc quản lý ruộng đất là nhân tố tác động, thậm chí quyết định mạnh mẽ đến người nông dân cũng như nền sản xuất nông nghiệp. Khái niệm quản lý ruộng đất bao gồm từ chế độ chung cho đến những biện pháp cụ thể. Nhưng ở đây khái niệm đó chỉ được quan sát trên bình diện tổng quát, hay nói cách khác là quản lý vĩ mô. Đó là chế độ ruộng đất do nhà nước thiết lập nhằm quy định một cơ chế chung nhất và quyết định nhất cho sự hình thành và tồn tại,  cũng như cho sự phát triển một kết cấu ruộng đất nhất định. Trong thế kỷ XIX và XX,  đất nước ta trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, dưới những thể chế chính trị khác  nhau, do đó có những chế độ ruộng đất khác nhau.
Hội thi nhà nông ở Biên Hòa
Đất nước ta cùng với ruộng đất Việt Nam có một quá trình hình thành trải dài theo năm tháng kể cả theo không gian từ Bắc vào Nam. Do vậy trong lĩnh vực này, những dấu ấn  của quá khứ luôn luôn kế tiếp nhau trầm tích lại, tạo nên những tầng lớp tiến triển khác nhau. Miền Bắc là xuất phát điểm rồi đến miền Trung và sau cùng là miền Nam. Bước vào thế kỷ XIX toàn thể nước ta từ Nam chí Bắc đặt dưới chính thể quân chủ tập quyền  triều Nguyễn, hay còn được gọi là chế độ phong kiến.
Mặc dù nhà nước và nhân dân  hăng hái tích cực khai phá mở mang khắp nơi nhưng tổng số ruộng đất canh tác được trên  toàn quốc cũng mới đạt tới con số hơn 4,6 triệu mẫu (theo thống kê chưa chính xác và còn dưới sự thật của cuốn Đại Nam nhất thống chí). Cũng theo tài liệu này thì Bắc kỳ có số ruộng đất lớn nhất (hơn 2,6 triệu mẫu), Trung kỳ gần 1,5 triệu mẫu, Nam kỳ mới có hơn nửa triệu mẫu. Ruộng đất trong nước có thể chia ra 3 loại chính:
1. Ruộng đất tư nhân
2. Ruộng đất công làng xã
3. Ruộng đất của nhà nước
Loại ruộng đất tư nhân chiếm đại bộ phận tổng số ruộng đất trong nước. Nam kỳ là nơi có nhiều ruộng đất tư nhất. Là một vùng đất mới, Nam kỳ chỉ có ruộng công xã thôn từ  1836 và số lượng cũng ít. Ruộng đất công xã thôn cũng có số lượng đáng kể, khoảng trên  dưới 30% tổng số nhưng tập trung ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Loại ruộng đất của nhà nước (đồn điền, tịch điền, quan điền, quan trại, các loại đất hoang…) chiếm tỷ lệ nhỏ, rất nhỏ trừ loại đất hoang. Loại này do nhà nước trung ương thông qua các cấp chính quyền địa  phương trực tiếp quản lý (trông nom và canh tác). Các loại ruộng đất làng xã và tư nhân tập trung ở các vùng nông thôn trên toàn quốc được chính quyền Trung ương giao cho các tỉnh, huyện, xã quản lý toàn diện. Các loại ruộng tư phải nộp thuế, nếu không sẽ bị nhà nước tịch thu. Tuy nhiên đó là một thứ tài sản gia đình dòng họ hay tư nhân, được quyền tùy ý mua bán, trao tặng hay thừa kê… Các loại ruộng đất làng xã phải chia định  kỳ cho các dân đinh và phải nộp thuế. Về mặt pháp lý có thể nói quyền sở hữu tư nhân ở đây là một quyền sở hữu không trọn vẹn và triệt để. Quyền sở hữu ruộng đất làng xã cũng do nhà nước tước đoạt. Đó là một kết cấu các loại ruộng đất mà quyền sở hữu đều không triệt để. Đó cũng là tính chất của một chế độ quân chủ chuyên chế. Về mặt quản lý thì bộ  máy chính quyền xã thôn trở thành then chốt quyết định mọi việc với dân và với chính  quyền cấp trên. Từ thực tế này đã nảy sinh ra cái tệ điêu hào lũng đoạn nông thôn, tệ  “dối trên lừa dưới”, ẩn lậu ruộng đất đinh điền thuế má,… Vì vậy nông dân nổi lên đấu tranh chống hào lý là một hiện tượng thường xuyên như một truyền thống ở nông thôn.  Bên cạnh đó là hiện tượng tranh kiện về ruộng đất giữa các cá nhân hoặc dòng họ liên  miên xảy ra đến mức triều Nguyễn phải ra một quyết định chỉ giải quyết các vụ việc xảy ra trong vòng 30 năm tính tới thời điểm khiếu kiện, còn các sự việc xảy ra trên 30 năm,  trong lịch sử quá khứ thì không giải quyết. Từ những thực tế đó có thể thấy rõ rằng trong  điều kiện một xã hội như trên, quyền sử dụng quan trọng hơn quyền sở hữu. Hay nói cách  khác, quyền sử dụng có khuynh hướng thay thế quyền sở hữu (về mặt xã hội, một điều đồng hành với xu hướng này là ở xã hội như thế, đẳng cấp quan trọng hơn giai cấp, đẳng cấp có xu hướng thay thế giai cấp).
Gạo Nam kỳ chuyển về Chợ Lớn để xuất cảng
Từ nửa sau thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, đất nước ta bị thực dân Pháp chiếm trị lần lượt từ Nam kỳ ra Bắc kỳ và Trung kỳ với hai chế độ khác nhau: Thuộc địa trực trị ở Nam kỳ và chế độ Bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ. Chính vì vậy những nét khác biệt trong quản lý ruộng đất được đẩy lên mức độ rất cao giữa hai miền đó. Ở Nam kỳ, chính quyền  thực dân du nhập và phát triển mạnh mẽ quyền sở hữu tư nhân trọn vẹn và triệt để như ở  Pháp đối với các đại điền chủ Pháp và Việt. Đại bộ phận nông dân đi làm tá điền. Loại ruộng đất của xã thôn bị giảm xuống còn một tỷ lệ là 3% ở mỗi thôn xã theo quy định của chính quyền. Các loại ruộng đất của nhà nước chỉ còn là các đất hoang và luôn được bán  cho các địa chủ lớn nhỏ Pháp và Việt. Do địa lý tự nhiên kết hợp với những chính sách  quản lý thực dân, Nam kỳ lội ngược dòng trở thành miền có số lượng ruộng đất to lớn nhất so với Bắc kỳ và Trung kỳ (xem bảng kê dưới đây). Đồng thời Nam kỳ trở thành nguồn xuất cảng có danh tiếng về lúa gạo và cao su ra thị trường quốc tế, làm giàu cho tư  bản thực dân Pháp. Không những số lượng ruộng đất to lớn mà quy mô ruộng đất của các  đại địa chủ cũng rộng tới hàng trăm ngàn hecta, bao trùm đất đai của nhiều huyện, xã thuộc mấy tỉnh. Vì vậy bộ máy quản lý một xã thôn không thể có quyền hành gì với các đại địa chủ kể cả Việt và Pháp. Lớp địa chủ này chỉ chịu sự quản lý về thuế lệ của các  cấp chính quyền chí ít từ huyện, tỉnh lên tới phủ Thống đốc Nam kỳ. Do đó có thể nói  việc quản lý ruộng đất ở Nam kỳ mang tính chất trực tiếp từ chính quyền Trung ương tới  các chủ ruộng. Bộ máy quản lý xã thôn không đóng vai trò then chốt trong sự quản lý này.
Cày ruộng ở Nam kỳ
Dưới chế độ Bảo hộ ở Bắc kỳ và Trung kỳ, nhiều biến đổi đã diễn ra trong lĩnh vực quản lý ruộng đất cho tới trước 1945. Cũng tương tự như ở Nam kỳ, quyền sở hữu tư  nhân về ruộng đất được khẳng định bằng luật pháp do Pháp và Nam triều ban hành. Quyền sở hữu này được trao cho các hạng địa chủ Pháp và Việt. Các địa chủ Pháp sở hữu những đồn điền rộng lớn hàng vạn hecta. Nhưng các địa chủ Việt phần đông sở hữu những diện tích nhỏ hơn nhiều và tập trung tại các làng xã ở nông thôn. Theo những tài liệu chính thức của Pháp những năm sau 1930, số lượng ruộng đất canh tác lúa ở ba  miền như sau:
Bắc kỳ: 3.733.480 mẫu Bắc  bộ, tức 1.244.493ha.
Trung kỳ: 954.548ha.
Nam kỳ: 2.320.622ha.
Cả nước có 4.519.663ha.
Rõ ràng diện tích ruộng lúa ở Nam kỳ nhiều gần gấp 2 lần Bắc kỳ và diện tích ruộng lúa cả nước cũng đã tăng gần gấp 2 lần. Còn về các địa chủ và quy mô sở hữu thì như sau: (H.1)
Sở hữu chủ
Nam kỳ
Bắc kỳ
Trung kỳ
Số chủ ruộng có dưới 1 mẫu
Tỷ lệ
85.931
33,68%
594.091
61,63%
449.391
68,5%
Số chủ  ruộng có trên 100 mẫu
Tỷ lệ
2.693
1,04%
252
0,02%
51
0,008%
Như vậy, sở hữu tư nhân thực sự trọn vẹn về ruộng đất được thiết lập giống nhau ở cả 3 miền đất nước. Nhưng quy mô sở hữu lại khác nhau rất xa. Nói chung miền Nam sở hữu lớn, miền Bắc và miền Trung sở hữu nhỏ. Bên cạnh đó, điều rất đặc biệt là chính quyền  thuộc địa có chính sách duy trì các làng xã ở xứ Bảo hộ ngay từ cuối thế kỷ XIX. Cùng  với nó là chính sách duy trì, thậm chí củng cố và phát triển chế độ ruộng đất công làng xã. Người Pháp thú nhận rằng họ rất bối rối trước quyền sở hữu làng xã đối với công điền công thổ và đó là nguyên nhân đẩy tới chính sách duy trì các làng xã với bộ máy hào lý như xưa dù rất muốn cải cách sửa đổi nó mấy lần. Thế là những nét tiêu cực cũ lại được  lập lại. Bộ máy xã thôn lại quản lý ruộng đất công và tư ở nông thôn Trung, Bắc kỳ và chúng lại hoành hành như xưa. Số lượng ruộng đất công xã thôn tuy không lớn bằng ruộng tư nhưng cũng đáng kể với người nông  dân nghèo. Có nhiều làng xã ở đồng bằng sông Hồng có số lượng công điền công thổ lên tới gần 100%. Nhìn chung tỷ lệ bình quân ruộng đất công làng xã ở ba miền như sau (cũng theo tài liệu chính thức của Pháp năm 1930).(H.2)
Miền
Ruộng công
Ruộng tư
Tỷ  lệ
Bắc kỳ
649.292 mẫu
3.084.188 mẫu
21%
Trung kỳ
194.448 ha
760.100 ha
25,58%
Nam kỳ
60.862 ha
2.259.760 ha
2,69%
Rõ ràng ở Bắc và Trung kỳ số lượng công điền công thổ khá đáng kể, nhất là đối với người nông dân nghèo không ruộng đất. Điều đáng quan tâm hơn nữa là việc chia công điền. Đây không phải là việc chia quyền sở hữu mà là chia quyền sử dụng theo định kỳ 3  năm một lần theo quy định của nhà nước, theo các đẳng cấp cao thấp và nhiều ít khác nhau. Lẽ đương nhiên người được chia công điền không có quyền đem bán khẩu phần  được chia. Toàn bộ việc chia quyền sử dụng ruộng đất công xã nông thôn được chính  quyền thuộc địa giao trọn cho bộ máy quản lý xã thôn tức là các hào lý nông thôn. Ta lại  thấy ở đây vai trò then chốt của bộ máy xã thôn này, cùng với những tệ nạn mà chúng gây ra trên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội xã thôn.
Trên phạm vi toàn quốc cần chú ý đến chính sách quản lý các loại ruộng đất của nhà  nước. Ở cả Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ, chính quyền thực dân luôn luôn đem các loại đất thuộc nhà nước bán hay bán rẻ như  trao tặng nhiều khoảnh to lớn cho các địa chủ Pháp, Việt, hoặc tôn giáo (Nhà Chung), tạo  nên những đẳng cấp đặc quyền đặc lợi, chỗ  dựa cho chế độ thực dân. Như vậy cái gọi là sở hữu nhà nước đã phục vụ đắc lực cho lợi ích của chế độ thuộc địa. Lúc đầu thực dân Pháp rất muốn tước đoạt cả các loại công điền công thổ của làng xã làm sở hữu nhà nước. Nhưng ý đồ đó không thực hiện được vì nhiều lý do, chủ yếu là gặp sự phản kháng quyết liệt và hợp lý của các làng xã. Sau đó, từ 1923  chính quyền thực dân muốn trước hết đảm bảo sự yên ổn của đất Bảo hộ nên đã quay  hẳn sang chính sách duy trì làng xã, duy trì, củng cố các loại công điền công thổ của xã thôn.
Từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH), nhân dân cả nước bắt đầu được hưởng những quyền lợi dân tộc dân chủ. Từ trước 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra khẩu hiệu ruộng đất  về tay dân cày hay người cày có ruộng và đấu tranh trước hết chia công điền một cách  công bằng. Từ sau 1945 và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính phủ nước Việt Nam DCCH đã tiến hành tịch thu nhiều ruộng đất của thực dân và Việt gian chia cho  nông dân nghèo, thực hiện việc giảm tô tức, chia hẳn các loại công điền làng xã cho dân cày nghèo, xóa bỏ chế độ ruộng đất công làng xã, mở rộng bộ phận ruộng đất tư hữu (sở  hữu tư nhân đích thực), tiến hành cải cách ruộng đất từ 1953. Sau đó năm 1956 cũng như vào năm 1994, Đảng ta đã xác nhận cải cách ruộng đất là một sai lầm từ chủ trương cho  đến biện pháp. Bởi nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là vì cho đến 1953, thì “người cày  đã có ruộng” và sở hữu tư nhân về ruộng đất của nông dân đã phát triển rộng khắp trên toàn quốc. Theo một bản thống kê của Ủy ban Cải cách ruộng đất thì trước 1953, số ruộng đất chia cho nông dân đã đạt 72,56%  tổng số cần chia, nên trong cải cách ruộng đất chỉ còn lại 27,44%. Điều đáng nhấn mạnh ở đây là Chính phủ Việt Nam DCCH đã  xác lập, củng cố và phát triển sở hữu tư nhân về ruộng đất, xem đó là một mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Việc quản lý ruộng đất vì thế trở nên nhẹ nhàng  hơn và chính quyền xã về cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề cho cuộc kháng chiến.
Từ sau 1954 trong vòng hơn 20 năm tiếp theo, đất nước ta bước vào một giai đoạn đặc biệt, có thể gọi chung là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong giai đoạn này miền Nam có hai vùng, vùng tự do của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và vùng do chính quyền Sài Gòn quản lý. Vùng tự do, tình hình ruộng đất về cơ bản vẫn tiến triển như cũ. Vùng của chính quyền Sài Gòn có nhiều xáo trộn và lớp đại  địa chủ có xu thế phát triển trở lại. Cùng với nó là bộ máy xã thôn trở thành công cụ của chính quyền. Trong khi đó ở miền Bắc, một hiện tượng chưa từng có đã diễn ra trong lĩnh  vực quản lý ruộng đất. Đó là công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp. Về mặt quyền sở hữu ruộng đất thì hợp tác hóa nông nghiệp là sự chuyển đổi toàn bộ sở hữu tư nhân ở nông thôn miền Bắc trở thành sở hữu tập thể, chỉ còn lại 5% thuộc sở hữu hộ gia đình. Điều đó  có nghĩa sở hữu tư nhân về ruộng đất bị xóa bỏ hoàn toàn trong 95% tổng số ruộng đất. Người nông dân không có quyền sở hữu kể cả quyền sử dụng ruộng đất vốn xưa kia của mình. Trong hơn 20 năm này, dù toàn bộ nông thôn là các Hợp tác xã nông nghiệp mà  Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đó toàn quyền quyết định đời sống nông dân, vượt trên cả chính quyền xã. Có thể nói nếu sở hữu tư nhân về ruộng đất làm giàu cho nông nghiệp  thì sở hữu tập thể đem lại thắng lợi cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó các bộ máy chính quyền xã thôn càng có nhiều quyền bao nhiêu trong việc quản lý ruộng  đất thì nó càng đóng vai trò then chốt bấy nhiêu trong việc nắm vận mệnh người nông dân.
Cái nhìn tổng thể trên đây về lịch sử quản lý ruộng đất mới chỉ quan tâm nhiều đến quyền sở hữu mà chưa đề cập bao nhiêu đến quyền sử dụng ruộng đất, dù đã nhấn mạnh rằng quyền sử dụng có xu hướng thay thế quyền sở hữu. Ngoài ra chưa có sự lưu ý đến đất đai  các loại ngoài ruộng lúa kể cả đất thổ cư. Cái nhìn tổng thể trên đây cũng đã đề cập khá rõ về vai trò then chốt của bộ máy xã thôn, cũng như về các đẳng cấp đặc quyền trong việc quản lý ruộng đất nhà nước thời thực dân. Những vấn đề này sẽ được nhìn nhận một  cách đại cương trong giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Chính sách ruộng đất của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX


TẠP CHÍ XƯA & NAY

Chính sách ruộng đất của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX

Vũ Văn Quân
Số 405 (6 – 2012)
Việt Nam bước vào thế kỷ XIX sau mấy thập kỷ biến động dữ dội, vương triều Nguyễn  thiết lập được chính quyền thống nhất nhưng vẫn phải đối mặt trước nhiều thách thức lớn, liên quan đến sự sống còn của vương triều. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một lãnh thổ trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau được xác lập. Đối với lịch sử dân tộc, sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn, là thành quả của những nỗ lực không ngừng của biết bao thế hệ người Việt Nam. Nhà Nguyễn cũng là vương triều đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thực hiện quyền quản lý đất nước trên một phạm vi lãnh thổ rộng lớn và trải dài theo chiều Bắc Nam. Quản lý một đất nước rộng lớn trong điều kiện giao thông kém phát triển, thông tin liên lạc lạc hậu, lòng dân, lòng sĩ phu Bắc Hà không yên, một nền hành chính còn nhiều khác biệt, đất nước xộc xệch rã rời sau hàng thế kỷ đầy biến động…  là những khó khăn và thách thức đặt ra cho nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX.  
Bừa ruộng
Đứng trước những khó khăn, thách đố đó, các vua Nguyễn, triều đình nhà Nguyễn sẽ thực thi những chính sách cai trị như thế nào. Phản ứng tức thời của nhà Nguyễn trước thực trạng đất nước đầu thế kỷ XIX là quyết tâm nhanh chóng ổn định tình hình. Đây là  yêu cầu của đất nước, của nhân dân sau nhiều thập kỷ loạn ly. Giải pháp ổn định đất nước được nhà Nguyễn thực hiện chủ yếu bằng việc tăng sức áp chế từ trên xuống. Theo đó, về chính trị: tăng cường áp chế hành chính – quân sự; về kinh tế: thi hành chính sách trọng nông; về văn hóa: phục hồi và độc tôn Nho giáo; về xã hội: thiết lập thế bình quân chủ nghĩa. Thiết lập thế bình quân chủ nghĩa là một giải pháp hiệu quả nhất để tạo thế ổn định  trong điều kiện một xã hội nông thôn – làng xã – nông nghiệp phân hóa chưa cao như Việt  Nam. Chọn giải pháp này, nhà Nguyễn trước hết thực thi nó ở một lĩnh vực có tính then chốt là ruộng đất.
Bức tranh chế độ ruộng đất
Đầu thế kỷ XIX, cơ cấu ruộng đất Việt Nam vẫn bao gồm hai bộ phận: ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước và ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân. Sau hàng ngàn năm phát triển, chế độ tư hữu đã mở rộng đồng thời với sự thu hẹp của chế độ sở hữu nhà nước. Ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước: nửa đầu thế kỷ XIX, theo sách Sĩ hoạn tu tri lục của Nguyễn Công Tiệp soạn khoảng những năm 1820-1843, trên toàn quốc các loại ruộng đất công  còn 580.363 mẫu, chiếm 17,08% tổng diện tích(1), bao gồm một bộ phận do nhà nước trực tiếp quản lý, còn lại chủ yếu là ruộng đất công của các làng xã.
Cày ruộng
Bộ phận ruộng đất thuộc quản lý trực tiếp của nhà nước ở đầu thế kỷ XIX gồm tịch điền, quan điền quan trại và đồn điền. Tịch điền là loại ruộng đất có tính chất lễ nghi thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với kinh tế nông nghiệp, số lượng không nhiều (cả nước ước khoảng vài trăm mẫu). Quan điền quan trại là loại ruộng đất vốn có từ các thời kỳ trước (các loại ruộng ngụ lộc, thưởng lộc, chế lộc, quan điền, quan điền trang, quan đồn  điền, quan trại). Nhà Tây Sơn đã dùng một phần trong số đó ban cấp cho các quan lại. Sau này nhà Nguyễn thu hồi và gọi chung là quan điền quan trại, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Địa bàn phân bố quan điền quan trại chủ yếu là khu vực Bắc và Trung Trung bộ, với diện tích khoảng vài ngàn mẫu. Một phần quan điền quan trại dùng để ban cấp cho một số đối tượng làm tự điền, phần còn lại dùng phát canh thu tô cho dân sở tại. Từ năm 1822, Minh Mạng cho chuyển dần quan điền quan trại thành ruộng đất công làng xã và đến giữa thế kỷ XIX thì cơ bản quan điền quan trại không còn tồn tại nữa. Đồn điền là loại ruộng đất kết hợp kinh tế với quốc phòng. Từ cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Ánh đã  cho lập đồn điền ở Nam bộ dưới hai hình thức: đồn điền do binh lính khai khẩn gọi là  trại đồn điền và đồn điền do dân khai khẩn gọi là hậu đồn điền. Nhà Nguyễn từng bước quân sự hóa hậu đồn điền và đến năm 1822 thì quyết định chuyển toàn bộ hậu đồn điền  thành trại đồn điền. Địa điểm chọn xây dựng đồn điền thường là những nơi xung yếu về quân sự và có tiềm năng đất đai. Vì thế, Nam bộ là địa phương tập trung đồn điền dưới  thời Nguyễn. Nhà nước chủ yếu sử dụng lực lượng binh lính, bên cạnh đó còn có một số  tù phạm đi khai khẩn, canh tác ruộng đất trong các đồn điền. Sản phẩm thu hoạch từ đồn  điền phần lớn nộp kho nhà nước, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tại chỗ của binh lính. Diện  tích đồn điền ở thời điểm cao nhất ước khoảng vài chục ngàn mẫu. Nhìn chung, các loại ruộng đất thuộc quản lý trực tiếp của Nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu ruộng đất.
Bộ phận chủ yếu của sở hữu Nhà nước là ruộng đất công làng xã. Trong 17,08% ruộng đất công các loại còn tồn tại đến đầu thế kỷ XIX, phần lớn là loại ruộng đất này. Tuy nhiên, sự phân bố rất không đều giữa các địa phương. Phan Huy Chú nhận xét: “Nước ta duy có trấn Sơn Nam Hạ là rất nhiều ruộng và đất bãi công, phép quân cấp chỉ nên làm ở xứ ấy là phải, còn các xứ khác thì các hạng ruộng công có không mấy”(2). Vào năm 1852, theo lời Thượng thư bộ Hộ Hà Duy Phiên: “Thừa Thiên, Quảng Trị thì ruộng công nhiều hơn ruộng tư, Quảng Bình thì công tư bằng nhau, còn các hạt khác thì ruộng tư nhiều mà ruộng công ít, tỉnh Bình Định càng ít hơn”(3). Kết quả nghiên cứu tư liệu địa bạ  những năm gần đây cũng cho thấy điều đó. Sự phân bố không đều thể hiện trong phạm vi từng miền, từng tỉnh, có khi từng huyện, từng tổng.
Tại Bắc bộ, trong khi tỷ lệ công điền thổ ở Thái Bình còn tới 31,43% thì ở Hà Đông chỉ còn 22,12% (thời điểm 1805). Giữa các huyện của hai địa phương này cũng có sự khác biệt. Ở Thái Bình, tỷ lệ công điền thổ huyện Thanh Quan còn 7,2%, huyện Quỳnh Côi còn 17,32%, huyện Đông Quan  còn 20,75%, thì tỷ lệ đó ở huyện Vũ Tiên là 56,85%. Ở tỉnh Hà Đông, tỷ lệ công điền thổ huyện Đan Phượng còn 37,99%, thì ở huyện Hoài An chỉ còn 4,81%, huyện Sơn Minh chỉ còn  4,55%. Vùng Nam bộ, nơi tư hữu hóa phát triển rất mạnh nhưng vẫn có những địa phương sở hữu công vẫn chiếm ưu thế. Các số liệu điều tra vào đầu thập niên 30 thế  kỷ XX tiếp tục khẳng định điều này. Tỷ lệ ruộng đất công khu vực Bắc bộ còn khoảng 25%, Trung bộ còn khoảng 25%, Nam bộ còn khoảng 3%. Một số địa phương cụ thể, như  Thừa Thiên còn 72%, Quảng Trị còn 98,5%, phủ Xuân Trường (Nam Định) còn 74,5%, phủ Khoái Châu (Hưng Yên) còn 59%… Sự thu hẹp của ruộng đất công cho thấy vai trò của loại hình sở hữu này đã giảm sút ở nửa đầu thế kỷ XIX, nhưng tính chất phân bố không đều làm cho vai trò của nó ở các địa phương không giống nhau, có nơi ruộng đất  công vẫn là nguồn sống chính của cư dân.
Phân bố tỷ lệ ruộng đất công tư ở một số địa  phương (4)
Địa phương
Các loại đất đai (%)
Niên đại
Công điền
Tư điền
Các loại  khác
Hà Đông22,1265,3412,541805
Thái Bình31,4353,2415,331805
Bình Định8,7189,621,671815
Phú Yên1,3498,66-1815
Nam bộ                               -              18367,8592,151836
Ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân: tỷ lệ ruộng đất tư đầu thế kỷ XIX, theo Nguyễn Công Tiệp, là 82,92%, khẳng định vị trí bao trùm và chi phối của loại hình sở hữu này trong toàn bộ chế độ ruộng đất. Tuy nhiên, đặc điểm phân bố không đều làm cho vai trò của nó  ở các địa phương có sự khác biệt nhất định. Trong khi ở hầu hết các nơi ruộng đất tư là  nguồn sống chính của cư dân, cả địa chủ với thu nhập từ phát canh thu tô, cả nông dân tự canh và lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, thì vẫn có những nơi ruộng đất công mới là nguồn sống chính. Trong sở hữu tư nhân, sự phân hóa đã diễn ra nhưng nhìn chung chưa cao và cũng rất chênh lệch giữa các địa phương. Có nơi sở hữu địa chủ đã chiếm ưu thế,  có nơi sở hữu bao trùm là của nông dân tự canh, có nơi sở hữu đặc trưng là của các lớp trung gian. Tại tỉnh Thái Bình, các lớp sở hữu trên 10 mẫu chiếm  64,55% ruộng đất tư,  sở hữu địa chủ đã thực sự phát triển ở đây. Tại tỉnh Hà Đông, các lớp sở hữu trên 10 mẫu  chỉ chiếm 28,90%, loại sở hữu đặc trưng là dưới 10 mẫu, riêng các lớp từ 3 đến 10 mẫu chiếm tới 48,72%. Tại tỉnh Bình Định, các lớp sở hữu trên 10 mẫu chỉ chiếm 9,30%, trong khi có tới 59,52% ruộng đất thuộc các lớp sở hữu dưới 3 mẫu. Tính chất không đều  còn thể hiện trong từng tỉnh. Ở tỉnh Thái Bình, các lớp sở hữu trên 10 mẫu thuộc huyện Chân Định là 74,30%, huyện Vũ Tiên là 78,11%, thì ở huyện Đông Quan là 59,99%, huyện Thanh Quan là 56,53%. Ở tỉnh Hà Đông, trong khi huyện Đan Phượng sở hữu  trên 10 mẫu chỉ chiếm 11,11%, huyện Từ Liêm chỉ chiếm 14,27% thì ở huyện Sơn Minh là 48,50%, huyện Hoài An là 56,40%. Vùng Nam bộ có một số chủ ruộng đã thực sự là  những đại địa chủ. Địa chủ Lê Văn Hiệu ở thôn Bình Xuân, tổng Hòa Lạc, huyện Tân  Hòa, tỉnh Gia Định (nay thuộc Gò Công, tỉnh Tiền Giang) có tới trên 1.841 mẫu ruộng, địa chủ Ngô Văn Lộc ở thôn Bình An cùng tổng có tới trên 1.045 mẫu ruộng… Nhưng đó vẫn chưa phải là loại sở hữu điển hình. Ngay tại vùng đất mà tư hữu hóa đã phát triển tương đối triệt để như Nam bộ, sở hữu đặc trưng của địa chủ vẫn là vừa và nhỏ.
Thái độ của nhà Nguyễn đối với vấn đề ruộng đất
Thái Bình
Hà Đông
Bình Định
Quy  mô
Số chủ
Ruộng đất
Số chủ
Ruộng đất
Số chủ
Ruộng đất
Dưới  1 mẫu2,20,1527,14,5161,4919,15
1- 3 mẫu16,613,5135,417,8830,0740,37
3 – 5 mẫu17,947,4117,048,085,1916,78
5 – 10 mẫu32,5824,3836,3432,092,5114,40
10 – 20 mẫu20,5229,7826,4942,770,647,20
20 – 50 mẫu9,3429,404,5213,630,102,10
Trên 50 mẫu0,785,37----
Bức tranh ruộng đất Việt Nam nửa  đầu  thế  kỷ  XIX đã đi vào chặng cuối của vận động tư hữu hóa. Ruộng đất tư đã bao trùm, đã có sự phân hóa trong sở hữu tư nhân, một số nơi đã đạt đến mức độ khá cao. Trước thực trạng đó, chính sách của nhà Nguyễn đối với  ruộng đất lại thể hiện rõ tính bảo thủ, làm cho quá trình phát triển tự nhiên của chế độ ruộng đất bị chững lại.
Thái độ tương đối nhất quán của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX là duy trì, bảo vệ và tham vọng mở rộng sở hữu nhà nước về ruộng đất. Thái độ này  quy định chính sách của nhà nước đối với vấn đề ruộng đất nói chung và với từng loại sở  hữu nói riêng.
Dưới thời Nguyễn, việc ban cấp ruộng đất chỉ còn lại duy nhất hình thức  tự điền (ruộng thờ) được thực hiện rải rác dưới thời Gia Long và đầu Minh Mạng, số lượng rất hạn chế, một phần do quỹ ruộng đất của nhà nước đã thu hẹp, mặt khác là để đề phòng tư hữu hóa từ việc ban cấp ruộng đất vốn đã từng diễn ra. Đối với bộ phận ruộng đất công làng xã còn lại, nhà nước cấm ngặt việc mua bán, cầm cố. Năm 1803,  Gia Long xuống dụ: “…Nếu xã thôn nào trái lệnh cấm, quen thói cũ, mua bán riêng với nhau, việc phát giác ra, thì người mua nhầm bị mất tiền gốc, người làm văn khế, người cùng đứng tên trong văn khế và những người làm chứng đều bị trị tội nặng, ruộng đất đem bán trong văn khế vẫn truy trả dân, lại theo lệ lấy một mẫu ruộng thưởng cho người tố cáo hưởng hoa lợi”(5). Để kiểm soát chặt chẽ bộ phận ruộng đất công làng xã làm cơ sở góp phần giải quyết các vấn  đề kinh tế – xã hội và ổn định tình hình đất nước, năm 1804, Gia Long chính thức ban hành phép quân điền. Đây là lần thứ ba trong lịch sử Việt Nam, nhà nước ban hành chính  sách quân điền. Cũng giống như phép quân điền các đời Hồng Đức và Vĩnh Thịnh, phép quân điền đời Gia Long quy định cụ thể các đối tượng được nhận ruộng và khẩu phần  tương ứng với từng đối tượng đó: quan lại văn võ từ tản giai tòng cửu phẩm đến chánh nhất phẩm được nhận từ 8 đến 18 phần; binh lính các hạng được nhận từ 7 đến 9 phần; dân đinh được nhận 6,5 phần; dân đinh già ốm, lão nhiêu cố cùng, tiểu nhiêu, nhiêu tật,  tàn phế được nhận 4 phần; trẻ mồ côi, đàn bà goá được nhận 3 phần. Về nội dung, không  có khác biệt lớn giữa phép quân điền Gia Long với phép quân điền các thời kỳ trước. Quan lại và binh lính vẫn là những đối tượng được ưu đãi. Thay đổi lớn nhất trong phép quân điền Gia Long là rút ngắn thời hạn chia lại ruộng từ sáu năm xuống còn ba năm. Mục đích của thay đổi này là nhằm tăng cường kiểm soát của nhà nước, hạn chế tư hữu hóa, nhưng chắc chắn sẽ đưa đến nhiều tiêu cực đối với đất đai.
Chuẩn bị cho lễ tịch điền
Phép quân điền Gia Long được thực hiện trong 36 năm. Đến năm 1840, Minh Mệnh tiến hành một số điều  chỉnh, theo đó quan lại, binh lính và dân đinh cùng được nhận một phần, các đối tượng khác được nhận bằng một nửa hoặc một phần ba. Việc giảm khẩu phần của quan lại và binh lính xuống bằng dân đinh, theo giải thích của Minh Mệnh là vì các đối tượng này đã  có  lương bổng của nhà nước.
Việc Gia Long ban hành phép quân điền chỉ hai năm sau khi nắm được chính quyền cho thấy ông vua này khá nhạy bén trong nhận thức về vai trò của ruộng đất công đối với việc ổn định tình hình xã hội. Chỉ có điều, sự thu hẹp lại phân bố  không đều của ruộng đất công làm cho tác dụng thực tế của chính sách này hạn chế, mỗi  nơi mỗi khác. Những nơi ruộng đất công còn nhiều, vẫn là nguồn sống chủ yếu của cư  dân, chính sách quân điền góp phần thể chế hóa việc phân phối, hạn chế sự thao túng  của tầng lớp hào cường.
Thể hiện tập trung nhất thái độ của nhà nước đối với vấn đề ruộng đất là những biện pháp mở rộng sở hữu công. Trong khai  hoang, có tới gần một nửa các quyết định của nhà nước quy định ruộng đất khai khẩn được trở thành sở hữu công cộng. Đặc biệt quyết liệt là chủ trương công hữu hóa một bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân.
Tỷ lệ bao trùm của sở hữu tư nhân về ruộng đất là thực tế mà nhà Nguyễn đã nhận thức được ngay sau khi xác lập nền thống trị. Trong chính sách của mình, nhà Nguyễn cũng có thái độ tôn trọng quyền tư hữu ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, với chủ  trương tăng cường sở hữu công cộng làm bệ đỡ kinh tế – xã hội cho thiết chế quân chủ  tập quyền, nhà Nguyễn từ khá sớm đã có tham vọng can thiệp vào ruộng đất tư. Năm 1803, một số quan cai trị ở Bắc Thành đề nghị Gia Long thi hành phép quân điền, bắt các chủ ruộng tư sung công 70% ruộng đất làm công điền quân cấp. Chủ trương này quá mạnh mẽ, lại vào lúc nhà Nguyễn mới được thiết lập, tình hình chưa thật ổn định nên đã không được chấp  nhận. Trong thời gian trị vì của mình, Gia Long cũng đã nhiều lần trăn trở về vấn đề này. Nhưng vốn là người thực tiễn, Gia Long nhận thức rất rõ tính chất phức tạp, bất ổn của chủ trương can thiệp vào sở hữu tư nhân. Đến Minh Mệnh, với thiết chế quân chủ tập quyền phát triển đến đỉnh cao, hơn bất cứ lúc nào cần phải tăng cường  chế độ sở hữu công cộng làm bệ đỡ kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trước đề nghị của Vũ Xuân Cẩn, Tổng đốc Bình – Phú (Bình Định và Phú Yên) vào cuối năm 1838, sung công  một phần ruộng đất tư ở Bình Định làm công điền quân cấp, Minh Mệnh đã rất đắn đo: “Ruộng đất tư là của thế nghiệp, năm tháng đã lâu, sổ sách đã thành, nay vô cớ cắt mất của riêng huyết mạch của người ta, xét ra không phải là việc yên nhân tình, một phen làm  sợ rằng chưa thấy lợi mà nhiễu dân thì không nói hết”(6). Sau nhiều cân nhắc, triều đình Nguyễn vẫn quyết định tiến hành cuộc cải cách ruộng đất ở tỉnh Bình Định, nơi mà theo các quan cai trị địa phương, ruộng đất hầu hết là thuộc sở hữu tư nhân và tập trung chủ yếu trong tay tầng lớp địa chủ, như lời tâu của Vũ Xuân Cẩn:  “…Một hạt Bình Định ruộng công chỉ có trên năm ngàn mẫu mà ruộng tư nhiều đến bảy vạn một nghìn mẫu, các ruộng tư… Bị bọn phú hào chiếm cả, người nghèo không nhờ cậy gì”, “…ruộng đất  phần nhiều là ruộng tư, nhà phú hào chiếm cả, có đến một, hai trăm mẫu mà người nghèo  không một thước tấc, suốt đời làm đầy tớ người giàu” (7).
Tháng 7 năm 1839,  Minh  Mệnh sai Thượng thư bộ Hình Vũ Xuân Cẩn và Hữu Tham tri bộ Lễ Doãn Uẩn đi Bình  Định làm cải cách. Nội dung phép quân điền Bình Định như sau: giữ nguyên hiện trạng những thôn ấp ruộng đất công nhiều hơn ruộng đất tư hoặc công tư ngang nhau, những thôn ấp nào tư nhiều hơn công thì ruộng đất công vẫn giữ nguyên, cắt một nửa ruộng đất  tư sung công quân cấp. Theo quy định trên, 645 trên tổng số 678 thôn ấp ở Bình Định chịu tác động của cuộc cải cách này.
 Cuộc cải cách ruộng đất ở Bình Định năm 1839 là  một thí điểm của nhà Nguyễn trong chủ trương can thiệp vào sở hữu tư nhân, “cân bằng  công tư”, “san bớt giàu nghèo”, như ước ao của các hoàng đế Nguyễn. Tại đây, ruộng  đất tư đã chiếm tỷ lệ bao trùm, nhưng không hề có tình trạng tập trung ruộng đất mà rất  manh mún, không như lời tâu của Vũ Xuân Cẩn. Vì thế, một lý do khác nữa mà nhà  Nguyễn chọn Bình Định, rất có thể vì đây là quê hương của phong trào Tây Sơn, trước kia quân Tây Sơn đã tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo, nhà Nguyễn muốn thông qua cuộc cải cách này triệt để xóa bỏ dấu ấn của nhà Tây Sơn(8).
Cuộc cải cách Bình Định đã làm rung động cả xã hội Đại Nam bấy giờ, gây nên sự phản ứng của  các chủ tư hữu ở Bình Định, nhất là với bộ phận có quy mô ruộng đất lớn hơn, và cũng tiềm ẩn sự phản ứng đối phó của giai cấp địa chủ cả nước nói chung. Đến nỗi, hơn mười  năm sau, vào năm 1853, Lang trung trí sĩ Trần Văn Tuân dâng sớ nêu 10 việc cần làm ngay, trong đó có việc lập tức trả lại ruộng đất tư ở Bình Định(9).
Bức tranh ruộng đất Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XIX với tỷ lệ bao trùm của sở hữu tư nhân, sự phân hóa nhất  định trong chế độ tư hữu là kết quả tất yếu của sự vận động lịch sử. Trong quá trình đó, do những đặc điểm riêng, có sự khác biệt nhất định giữa các địa phương. Trước thực trạng ruộng đất đó, chính sách ruộng đất của nhà Nguyễn thể hiện rõ tư tưởng bảo thủ, một mặt duy trì, bảo vệ bộ phận ruộng đất công còn lại, mặt khác tìm cách mở rộng, đặc biệt là chủ trương can thiệp vào chế độ tư hữu để tăng quỹ ruộng đất công qua thí điểm ở Bình Định. Thái độ đó, chính sách đó làm cho quá trình tư hữu hóa  ở nửa đầu thế kỷ XIX bị chặn lại, phân hóa và tập trung ruộng đất trở nên khó khăn hơn. Sự vận động tiến hóa của chế độ ruộng đất Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XIX diễn ra trong  một môi trường không lành mạnh.
 
CHÚ THÍCH:
1. Nguyễn Công Tiệp, Sĩ hoạn tu tri lục, chữ Hán, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập III, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr.70.
3. Đại Nam thực lục chính biên, tập  XXVIII, Nxb Khoa học Xã  hội, Hà Nội, 1973, tr.336.
4. Phan Huy Lê (chủ biên), Địa bạ Hà Đông (Hà Nội, 1995), Địa bạ Thái Bình (Nxb Thế  giới, Hà Nội, 1997), Nguyễn Đình Đầu, Tổng kết nghiên cứu địa bạ: Nam kỳ lục tỉnh; Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Bình Định; Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Phú Yên;  Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Thừa Thiên (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996-1997). 
5. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.113-114.
6. Đại Nam thực lục chính biên, tập XX, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1968, tr.259.
7. Đại Nam thực lục chính biên, tập XX, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội,1968, tr.258; tập XXI, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1969, tr.58.
8. Phan Phương Thảo, Chính sách quân điền năm 1839 qua tư liệu địa bạ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004.
9. Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVII, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.412-413

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

NHẬT KÍ LÝ BẰNG TIẾT LỘ ĐẦU ĐUÔI CHUYỆN BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ TRUNG-VIỆT NĂM 1990


NHẬT KÍ LÝ BẰNG TIẾT LỘ ĐẦU ĐUÔI CHUYỆN

BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ TRUNG-VIỆT NĂM 1990

Tác giả: Lý Bằng
Người dịch: Quốc Thanh
02-05-2012
Ý cốt lõi: Về việc bình thường hóa mối quan hệ kinh tế Trung-Việt, nên dựa trên nguyên tắc hai bên bình đẳng và cùng có lợi, sẽ do các đối tác của hai bên bàn bạc giải quyết, Trung Quốc giữ thái độ tích cực với tất cả các lĩnh vực thương mại, bưu chính, vận tải, thanh toán ngân hàng, khôi phục lại giao thông đường bộ.
Bài này trích trong cuốn “Hòa bình Phát triển Hợp tác – Nhật ký ngoại sự của Lý Bằng” Tác giả: Lý Bằng Nhà xuất bản: Tân Hoa xuất bản xã Nguồn: people.com.cn 
Vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Việt Nam xuất quân sang Campuchia. Năm 1979, quan hệ Trung-Việt bị chìm xuống đáy. Tháng 12 năm 1986, Nguyễn Văn Linh nhậm chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Cùng với sự xấu đi của cục diện quốc tế, đặc biệt là sau biến động ở Châu Âu, Liên Xô bị tan rã, Nguyễn Văn Linh đã điều chỉnh lại chính sách, tìm kiếm sự bình thường hóa quan hệ Trung-Việt.   

Qua đường liên lạc bí mật giữa hai bên Trung-Việt, từ 3 – 4.9.1990, Nguyễn Văn Linh đi cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Đỗ Mười, cùng với lãnh đạo Trung Quốc tổ chức cuộc gặp mặt ở Thành Đô, sự kiện này trở thành bước ngoặt trong việc bình thường hóa quan hệ Trung-Việt.
[Năm 1986] Thứ sáu ngày 26.12, mưa u ám.
 Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 6 Đảng cộng sản Việt Nam, thay cho nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn đã qua đời vào tháng 7.
[Năm 1989] Thứ bảy ngày 26.8, mưa u ám.
Hôm nay, Việt Nam tuyên bố đã “rút quân toàn bộ” khỏi Campuchia. Điều này tạo điều kiện cho việc giải quyết vấn đề Campuchia một cách thuận lợi, đồng thời cũng gạt bỏ được sự trở ngại cho bình thường hóa quan hệ Trung-Việt. 
  
* Bước ngoặt trong quan hệ Trung-Việt – Hội nghị Thành Đô
[Năm 1990] Thứ tư ngày 6.6, nắng.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã gặp đại sứ Trương Đức Duy tại Bộ quốc phòng Việt Nam. Nguyễn [Văn Linh] hi vọng thực hiện bình thường hóa được mối quan hệ giữa hai nước, hai đảng, đồng thời mong sớm được sang thăm Trung Quốc.
Chủ nhật ngày 26.8, mưa u ám.
  Về chuyến thăm nội bộ tới Trung Quốc của các nhà lãnh đạo chính bên Việt Nam gồm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh…, tôi đã nói với đồng chí Giang Trạch Dân, ông ta tỏ ý hoàn toàn tán thành.
Thứ hai ngày 27.8, mưa.
 Về việc đồng chí Giang Trạch Dân và tôi sẽ hội kiến với Nguyễn Văn Linh, tôi đã báo cáo lên đồng chí Đặng Tiểu Bình. Xét thấy Á vận hội (Asian Games) sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh, mà cuộc gặp mặt này lại đề cập đến việc bình thường hóa quan hệ Trung-Việt, đặc biệt hệ trọng, nên để tiện cho việc bảo mật, địa điểm hội đàm sẽ được bố trí ở Thành Đô.
Thứ năm ngày 30.8, nắng.
  Việc đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đến Thành Đô hội đàm nội bộ với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Đỗ Mười, đã có gửi lời mời cho Việt Nam. Bây giờ thử xem trả lời từ Việt Nam ra sao.
Chủ nhật ngày 2.9, nắng.
  Ba giờ rưỡi chiều, tôi đáp chiếc chuyên cơ cất cánh từ sân bay Tây Giao Bắc Kinh, khoảng 6 giờ tới sân bay Thành Đô. Chúng tôi ngồi ô tô qua lộ trình mất hơn 20 phút đến Nhà khách Kim Ngưu, Bí thư Tỉnh ủy Dương Nhữ Đại đang đợi. Đồng chí Giang Trạch Dân đáp một chiếc chuyên cơ khác đến Thành Đô chậm hơn tôi nửa giờ. Từ 8 giờ rưỡi tối đến 11 giờ đêm, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân trao đổi với nhau về phương châm của cuộc hội đàm với phía Việt Nam vào ngày mai.
Thành Đô thứ hai ngày 3.9, nắng.
 Buổi sáng, tôi ở chỗ đồng chí Giang Trạch Dân cùng với ông ta tiếp tục nghiên cứu về phương châm của cuộc hội đàm sẽ tiến hành với phía Việt Nam.
  Khoảng 2 giờ chiều, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng tới Nhà khách Kim Ngưu ở Thành Đô, Giang Trạch Dân và tôi đón họ ở nhà một tầng số 1. Nguyễn Văn Linh mặc bộ com lê màu cà phê, mang hơi hướng phong cách học giả. Đỗ Mười thân hình còn tráng kiện, tóc bạc phơ, mặc bộ com lê màu xanh thẫm. Cả hai đều 73-74 tuổi, còn Phạm Đồng thì hai mắt bị đục thủy tinh thể, thị lực cực kém, mặc bộ áo đại cán, giống các cán bộ lão thành của Trung Quốc.
  Buổi chiều, cuộc hội đàm bắt đầu, Nguyễn Văn Linh làm một bài nói dài trước. Tuy bày tỏ nguyện vọng nhanh chóng giải quyết vấn đề Campuchia, đồng thời nói việc thành lập Hội đồng tối cao Campuchia là chuyện cấp bách, không nên loại trừ bất cứ bên nào, nhưng lại tỏ ý không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Xem ra về vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn Linh chỉ muốn làm một sự bày tỏ thái độ về nguyên tắc, còn trọng điểm là đặt vào phương diện bình thường hóa quan hệ Trung-Việt.
Cuộc hội đàm tiếp tục một mạch đến 8 giờ tối, 8 giờ rưỡi mới bắt đầu mở tiệc. Bên bàn tiệc, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân lại lần lượt làm việc với Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh .  
Thứ ba ngày 4.9, râm mát.
Buổi sáng, chúng tôi tiếp tục họp với các đồng chí lãnh đạo của Việt Nam. Đến đây, có thể nói những vấn đề nêu ra trong hội nghị đã đi đến đồng thuận một cách khá thỏa mãn, cùng quyết định khởi thảo một bản Kỷ yếu hội nghị.
  Hai giờ rưỡi chiều, hai bên Trung-Việt tổ chức lễ ký kết ở nhà một tầng số 1 tại Nhà khách Kim Ngưu, hai bên lần lượt do Tổng bí thư và Thủ tướng ký. Đây là một bước ngoặt mang tính lịch sử trong quan hệ Trung-Việt. Đồng chí Giang Trạch Dân tặng ngay tại chỗ cho các đồng chí Việt Nam câu thơ “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu” (Qua hết sóng gió anh em vẫn còn, Gặp nhau cười một cái là quên ân oán). Câu thơ này là của Lỗ Tấn. Trước việc này, các đồng chí Việt Nam tỏ ra rất vui.
  Bốn giờ chiều, chuyên cơ cất cánh về Bắc Kinh, khoảng 6 giờ 10 tới nơi.
* Đảng cộng sản Việt Nam họp Đại hội 7 
[Năm 1991] Thứ bảy ngày 29.6.
Đại hội 7 Đảng cộng sản Việt Nam bế mạc, Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng làm cố vấn. Quan điểm chủ yếu chung của Đại hội 7 Đảng cộng sản Việt Nam là kiên trì chủ nghĩa xã hội, làm cải cách kinh tế, chủ trương tình hữu nghị Việt-Xô, Việt-Trung. Tinh thần của Đại hội này có lợi cho việc cải thiện quan hệ Trung-Việt.
Bắc Kinh thứ ba ngày 30.7, nắng.
Buổi chiều, tôi hội kiến với đại diện đặc biệt của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là Lê Duẩn và Hồng Hà. Họ yêu cầu tổ chức cuộc gặp cấp cao Trung-Việt. Tôi nói để cho nhân dân hai nước có sự chuẩn bị, để cho ASEAN và các nước khác không nảy sinh nghi ngờ, hai bên Trung-Việt cần tiến hành cuộc gặp ở các cấp thứ trưởng và bộ trưởng ngoại giao trước đã, còn về cuộc gặp cấp cao thì phía Trung Quốc cho rằng về nguyên tắc không có vấn đề gì. Ngày hôm sau Tổng bí thư Giang Trạch Dân sẽ có trả lời chính thức với họ. Về việc bình thường hóa quan hệ kinh tế Trung-Việt, nên dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi, sẽ do các đối tác của hai bên bàn bạc giải quyết, Trung Quốc giữ thái độ tích cực với tất cả các lĩnh vực thương mại, bưu chính, vận tải, thanh toán ngân hàng, khôi phục lại giao thông đường bộ.
* Thực hiện bình thường hóa quan hệ Trung-Việt
Thứ ba ngày 5.11, nắng.
  Năm giờ chiều, đồng chí Giang Trạch Dân và tôi tổ chức lễ đón chính thức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt tại quảng trường ở ngoài cửa phía đông Đại lễ đường nhân dân. Tiếp đó, chúng tôi đã tiến hành hội đàm. Đỗ Mười có thái độ rất rõ ràng về vấn đề Đài Loan. Đồng chí Giang Trạch Dân nói, sau khi quan hệ hai nước đã trải qua một quãng đường gập ghềnh, lãnh đạo hai nước Trung-Việt ngày hôm nay có thể ngồi cùng với nhau để tiến hành cuộc gặp cấp cao là mang ý nghĩa quan trọng. Đây là một cuộc gặp gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nó đánh dấu sự bình thường hóa trong quan hệ hai nước, tất sẽ có ảnh hưởng sâu xa đối với sự phát triển quan hệ hai nước. Đỗ Mười nói, bình thường hóa mối quan hệ hai nước Việt-Trung là phù hợp với nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, đồng thời cũng giúp ích cho hòa bình và ổn định của khu vực này và thế giới. Tiếp đó, mở tiệc.
Thứ tư ngày 6.11, nắng.
Buổi chiều, tôi hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt, không khí rất tốt. Tôi nêu ra trước là Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Tổng bí thư Đỗ Mười đã tiến hành hội đàm rất tốt, đã trao đổi được hết ý kiến. Về vấn đề Đài Loan, thái độ thể hiện của Võ Văn Kiệt rất tốt. Tôi điểm qua các vấn đề về nợ, biên giới, dân tị nạn… trong cuộc hội đàm. Hai bên đồng ý sau này sẽ không bàn tới nữa. Với các dự án vay vốn do phía Việt Nam đề xuất mới, tôi hứa sẽ cho khảo sát các dự án của phía Việt Nam trước. Về vấn đề Campuchia, tôi nêu rõ, thỏa thuận về giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia đã được ký tại Paris, việc thực hiện thỏa thuận vẫn đòi hỏi các bên phải tiếp tục nỗ lực.
Thứ năm ngày 7.11, nắng.
  Buổi chiều, Hiệp định Thương mại Trung-Việt và Hiệp định tạm thời về việc xử lý các vấn đề biên giới giữa hai nước đã được ký kết tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài. Các lãnh đạo đảng và chính phủ hai nước đã dự lễ ký kết, sau đó, tôi cùng đồng chí Giang Trạch Dân chia tay Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt. Họ sẽ đi thăm Quảng Châu, Thâm Quyến…
Nguồn: Ifeng.com

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Viện nhân dân đại biểu Trung kỳ và Viện trưởng Hoàng Văn Khải


TẠP CHÍ XƯA & NAY

Viện nhân dân đại biểu Trung kỳ và Viện trưởng Hoàng Văn Khải

Số 404 (6 – 2012)
Lê Xuân Kỳ
Sự ra đời của Viện Dân biểu Trung kỳ
Viện “Nhân dân đại biểu Trung kỳ” được thành lập ngày 24-2-1926 do nghị định của Toàn quyền Đông Dương Varenne. Thật ra Nghị định ngày 24-2- 1926 chỉ là đổi tên một hội đồng trước đó đã được thành lập ngày 6-11-1925 là “Hội đồng tư vấn Trung kỳ”.
Nhiệm vụ của Viện Dân biểu là góp ý với Chính phủ về các vấn đề liên quan đến dân chúng bản xứ, chính phủ Bảo hộ phải tham khảo Viện Dân biểu về ngân sách, thuế khóa và các công trình công cộng ở Trung Kỳ.
Ngày 3 tháng 7 năm 1933, hoàng đế Bảo Đại qua chỉ dụ 45 thì Viện Dân biểu Trung kỳ phải bao gồm đại diện của ba khối tầng lớp: dân đinh không phải là thương gia (cứ 30.000 dân được bầu một đại biểu), thương gia có đóng thuế môn bài và dân đinh các dân tộc thiểu số. sắc dụ này cũng lập ra một ủy ban thường trực gồm ba thành viên.
Đối với tiêu chuẩn cử tri, chính quyền chọn trong số 50 suất đinh mới được một cử tri. Cử tri và ứng viên phải là công dân có nghề nghiệp, hoạt động hợp pháp.
Nhiệm kỳ của các ủy viên là bốn năm. Mỗi năm viện họp một khóa tại Huế, do vua ra chi dụ triệu tập, theo đề nghị của thượng thư Bộ Lại, sau khi đã được khâm sứ Pháp đồng ý. Viện Dân biểu Trung kỳ có sự góp mặt của nhiều nhà yêu nước Việt Nam nổi tiếng và đầy ảnh hưởng như Huỳnh Thúc Kháng, viện trưởng đầu tiên của Viện; Hoàng Văn Khải, cựu chính trị phạm đã từng bị giam cầm đầy ải ở nhà lao Côn Đảo, viện trưởng nhiệm kỳ 1937 – 1940; và Phan Thanh, đại biểu nhiệm kỳ 1937 – 1940…
Đương thời trên đất Việt Nam có 3 viện dân biểu là Viện Dân biểu Bắc kỳ, Viện dân biểu Trung kỳ và Hội đồng quản hạt Nam kỳ. Báo chí thời ấy (thời kỳ 1936 – 1940) thường viết bài chê bai Nghị viện Bắc kỳ và Nam kỳ và khen ngợi, khuyến khích cổ vũ chí khí của các ông nghị Trung kỳ, đặc biệt là người đứng đầu của Viện, cử nhân Hoàng Văn Khải. Báo chí chỉ trích các ông nghị Bắc kỳ rất gay gắt. Báo Dân chúng số 22 ngày 5-10-1938 viết:
“Cuộc tuyển cử viện trưởng đã mang tới cho viện Dân biểu một vết xấu xa, nghĩa là các ông tranh đấu nghị trường không phải dùng con đường chính trị, mà lại dùng lối rượu thịt, đĩ bợm, thực là những chuyện hết sức thô bỉ, đê hèn chưa từng thấy trên cuộc vận động ở nghị trường ở nước nào.
Từ lúc tuyển cử Viện Dân biểu cho tới tuyển cứ viện trưởng, mùi rượu thịt vẫn khai nặc! Làm cho những người có đầu óc tỉnh táo, hít tới không khí ấy cũng phải váng đầu!”
Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc kỳ Phạm Lê Bổng được báo giới cho là “bảo hoàng”, “bất tín”, “nặc mùi rượu thịt”, “không biết xấu hổ với nhân dân, với đồng bào, không biết giữ tư cách…”
Viện Dân biểu Bắc kỳ có 120 ông nghị.
Ở Nam kỳ cơ quan dân cử này gọi là Hội đồng Quản hạt có 24 đại biểu (12 đại biểu người Pháp, 12 đại biểu người Nam). Báo Dân chúng nhận xét:
“Xứ Nam kỳ là một xứ trực tiếp do chính phủ Pháp cai trị. Số người đã ít mà lại bắt buộc phải biết viết biết nói tiếng Tây và các điều kiện khác, hầu hết là đại biểu của một số” rất tư bản và địa chủ.
Cách làm việc của ban hội đồng quản hạt không có tính chất nghị trường, có việc gì quan trọng thì họ thầm thì trước với nhau, rồi sau đưa ra hội đồng bỏ phiếu, như vụ cử ông Bùi Quang Chiêu làm hội trưởng vừa rồi, do các ông hội đồng Tây, Nam thầm thì nhau trước, nghĩa là nhân hoàn cảnh mới các ông Tầy định nhả ghế ấy ra để nhượng cho ông Bùi. Lối tuyển cử này gọi là lối bao biện.
Tuy vậy, một lần đầu người bản xứ được ngồi ghế hội trưởng của hội đồng quản hạt, đứng về phương diện dân tộc, chúng tôi cũng ủng hộ sự bình đẳng ấy.
Song đó chỉ là một quyền lợi rất nhỏ rất hẹp hòi mà thôi, các ông nghị An Nam hãy cùng với nhân dân tranh đấu đòi cho được dân tộc bình đẳng về các phương diện thì việc bình đẳng ở hội đồng mới có giá trị. Song cũng cần nhắc cho các ông và các lớp nhân dân hiểu rằng sự bình đẳng số nghị viện ở hội đồng chỉ là sự bình đẳng mặt ngoài mà thôi. Một ngày kia lúc mà hội đồng đã có người đại biểu của nhân dân đã thích bàn về quyền lợi của dân bổn xứ, thì lúc ấy sự bình đẳng sẽ trở nên bất bình đẳng, nghĩa là nếu chiếu theo số đông của dân bổn xứ mà cử ra nhiều đại biểu hơn đại biểu người Pháp thì mới thật là bình đẳng”.
Cũng tờ báo trên đưa tin về việc bầu cử chức viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ:
“Hiện nay Viện Dân biểu Trung kỳ tuy chỉ có 50 đại biểu, nhưng xét về công tác đã qua và thành phần của đại biểu, ta có thể cho là tiến bộ hơn cả Nam kỳ và Bắc kỳ. Viện có bản chương trình hành động chính trị cấp tiến hợp thời.
Tuy trong viện có 6 ông đại biểu ở Trung kỳ do chính phủ chỉ định và có một số hữu phái, cấp tiến vẫn chiếm đa số. Trong vụ tuyển cử viện trưởng vừa rồi, ông Hoàng Văn Khải là ông già, cựu chính trị phạm tranh với ông Phạm Văn Quản cựu nghị trưởng về khóa dân biểu năm xưa.
Lần đầu bỏ thăm mỗi ông được 24 phiếu và 2 phiếu trắng. Lần thứ hai, bỏ dồn hết phiếu cho ông Hoàng; phái cấp tiến đắc cử.
Đó cũng là một cái biểu hiện của các ông đại biểu có xu hướng cấp tiến và dân chủ. Viện bầu viện trưởng có chính trị giác ngộ.
Viện Dân biểu Trung kỳ sở dĩ có nhiều ông dân biểu có tư cách đại biểu nhân dân, đều do nhân dân Trung kỳ đã trải qua nhiều cuộc tranh đấu oanh liệt, họ đã giác ngộ chính trị, họ biết cẩn thận lựa chọn đại biểu. Hai là Viện Dân biểu Trung kỳ tuyển cử trong điều kiện mới, điều kiện mà Mặt trận bình dân Pháp thắng lợi, chính phủ Blum Chautemps cầm chính quyền.
Chúng tôi hy vọng rằng nhân dân Trung kỳ với những ông dân biểu cấp tiến hãy mật thiết bàn bạc với nhau hơn nữa, để sửa đổi chế độ sưu thuế cho công bằng…”.
Về Viện Dân biểu Trung kỳ chúng tôi xin nói thêm: Có những ý kiên khác nhau về ngày ra đời và ngày kết thúc hoạt động của Viện. Chúng tôi cũng xin khẳng định ngày ra đời là ngày 24-2-1926 do Nghị định của Toàn quyền Varenne và ngày kết thúc là ngày 12-5-1945 do đạo dụ số 13 “bãi miễn Viện Dân biểu Trung kỳ” của hoàng đế Bảo Đại sau khi Nhật đã đảo chính Pháp. Viện Dân biểu Trung kỳ trước sau có 4 viện trưởng là Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Quản, Hoàng Văn Khải và Nguyễn Phúc Ưng Bình (Ưng Bình (1877 — 1961), cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh). Trụ sở của viện hiện là số 3 đường Lê Lợi (Huế), nay đặt văn phòng Đại học Huế.
Về hoạt động của Hoàng Văn Khải ở Viện Dân biểu Trung kỳ
Trong đời Hoàng Văn Khải có 3 giai đoạn hoạt động sôi nổi. Đó là:
Thời kỳ sau năm 1906, đậu cử nhân, không ra làm quan, ở nhà đọc tân thư, tham gia phong trào chống thuế. Rồi đi tù ở Côn Đảo.
Đây là thời kỳ “tam thập nhi lập”, ông lập thân bằng con đường làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Cách mạng do ông và các đồng chí chưa thành nhưng để lại bài học cho hậu thế. Kể ra học hành như ông nếu muốn cầu vinh thiếu gì con đường nhưng ông đã chọn con đường của người trai đất Việt, con đường làm cách mạng.
Thời kỳ ông cùng Nguyễn Đan Quế phát triển Tân Việt cách mạng Đảng (1927) ở Thanh Hóa. Đây là thời kỳ tiếp tục chọn đường và nhường chỗ cho những đảng viên trẻ đi theo “đường cách mạng” của Nguyễn Ai Quốc. Ông lại trở về địa phương, đóng cửa đọc sách nhưng vẫn liên lạc với những người cộng sản. Lòng ông vẫn đau đáu nghĩ về nỗi nước nhà.
Thời kỳ sau năm 1936, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đảng bộ Thanh Hóa đã vận động cụ Khải là một trong số năm ứng cử viên bầu vào Viện Dân biểu Trung kỳ. Kết quả ông Khải trúng cử ở địa bàn thị xã Thanh Hóa. Là nghị viên dân biểu, ông Khải ủng hộ sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ, việc gì có lợi cho dân thì bảo vệ, có hại cho dân thì từ chối khéo. Trước khi lên đường vào Huế dự phiên khai mạc, ông đem theo nguyện vọng của nhân dân Thanh Hóa ký thác.
“2.894 dân đinh tỉnh Thanh Hóa ở Trung kỳ đã đưa cho các ông Dân biểu rất nhiều nguyện vọng có đủ đồng triện, cai phó tổng, lý trưởng, hương bộ để các ông dùng làm tài liệu vào viện mà cạn thiệp binh vực quyền lợi cho họ và để nhờ các ông đề đạt lên chính phủ:
1. Mở rộng quyền hạn dân viện.
2. Tự do dân chủ.
3. Giảm thuế điền thổ, sửa đổi thuê thân cồ lợi cho dân nghèo.
4. Chống nạn thất học một cách có hiệu quả.
5. Thi hành triệt để luật lao động.
6. Bỏ hẳn lệ tư ích.
7. Toàn xá chính trị phạm. Ngoài những nguyện vọng chung ấy họ còn xin những điều:
a. Bỏ thuế nước nông giang cho những ruộng không được hưởng lợi về nông giang (ở Thọ Xuân, Quảng Xương…).
b. Bỏ thuế khống thụ điền thổ (ở Hà Trung…)
c. Sửa đổi lại lệ định về việc trồng và buôn thuốc lào.
d. Hủy bỏ nghị định cấm làm muối thi hành đã mấy năm nay (ở Hậu Lộc, Quảng Xương).
e. Cho dân nghèo tự do đốt than, hái củi khỏi phải nộp thuế (ở Cẩm Thủy, Thọ Xuân).
f. Trừng trị nghiêm khắc những kẻ thừa hành nhũng nhiễu dân về vụ Công trái quốc phòng (ở Nông Cống, cẩm Thủy, Vĩnh Lộc).
g. Bồi bổ đê điều để chống nạn lụt lội (ở Hà Trung),
h. Không được bắt dân phu lên huyện để nhận và đưa công văn cho cai phó tổng (ở Vĩnh Lộc).
i. Đào kênh tích thủy để chống nạn lụt lội (ở Vĩnh Lộc).
k. Cứ ba năm lý trưởng phải trù lại một lần.
1. Lập danh sách cử tri bầu tỉnh hạt hội viên và dân biểu cho rành mạch, bầu các ủy viên hương thôn phải theo đúng dụ số 45 ngày 3-7-1933…”.
(Báo Dân chúng số 23 ngày 8-10-1938).
Ở phiên họp đầu tiên, ông đã vượt qua sự tín nhiệm để trở thành viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. “Ông già, cựu chính trị phạm” đã thắng, mặt trận Dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thắng.
Ông đã đọc bài diễn văn súc tích, khôn khéo nhưng kiên quyết, các quan Tây, ta từ quan khâm mạng, khâm sứ… lần đầu tiên được nghe một ông già nhà quê Thanh Hóa phát biểu, thẳng thừng bác bỏ dự luật tăng thuế, đại xá tù chính trị, đòi tự do dân chủ và khi hội nghị bế mạc bài diễn văn của ông được dư luận rất ngợi khen.
Bài diễn văn bế mạc của ông Hoàng Văn Khải viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ đọc hôm 21-9-1938.
“Thưa quan Khâm mạng,
Thưa quan đại diện quan Khâm sứ đại thần,
Thưa các ngài.”
Hội đồng thường niên thứ hai của dân viện chúng tôi hôm nay đã đến ngày kết liễu. Trước khi bế mạc chúng tôi muốn đem một tấm chân thành vị quốc vì dân mà trưng cầu cùng hai chánh phủ, mong rằng hai chính phủ lưu ý ngay cho.
Viện chúng tôi thành lập đến nay đã 12 năm rồi, chúng tôi chưa tìm thấy một năm nào mà chúng tôi đứng trước một tình thế nghiêm trọng như năm nay.
Trước tình thế nguy ngập như vậy mà chính phủ lại đưa ra bản dự án có tính chất tăng thuế, chúng tôi thiết nghĩ đó là một điều rất bất hợp thời.
Chúng tôi cũng nhận trên nguyên tắc bản dự án của chính phủ vẫn nhằm vào mục đích nhân đạo và công bằng, nhưng xét đến phương pháp thực hành thì chúng tôi lại thấy kết quả chỉ làm cho dân nghèo và giai cấp trung lưu thêm nặng gánh.
Dân Trung kỳ chúng tôi đất hẹp người nhiều, thuế khóa nặng nề, sự sống muôn phần cực khổ, ấy thế mà nhà nước lại tăng gia thuế khóa trong lúc này, chúng tôi lo ngại không biết rồi đây chúng tôi có thể gánh vác được không. Những lý do mà nhà nước viện để tăng thuế, viện chúng tôi đã xét kỹ và đã thấy rằng những lý do ấy chưa phải là cần kíp.
Trong mười ngày họp hội đồng chúng tôi đã tiếp hơn 300 lá đơn kêu cứu lại còn tiếp được 74 bức điện tín và nhiều tin tức các cuộc biểu tình ở thành phố và thôn quê, đều chứng tỏ rằng dân chúng tôi nghèo khổ quá không thể nào nạp thuế thêm nữa được. Cái thái độ của viện chúng tôi đối với vấn đề thuế khóa tức là phản ảnh của nguyện vọng dân chúng và chúng tôi hết sức mong rằng nhà nước trong những giờ nghiêm trọng này không nên vì vấn đề thuế khóa mà để cho dân chúng tôi thêm một lần thất vọng nữa.
Còn về các điều tự do dân chủ, viện chúng tôi đã nhắc đi nói lại ở nghị trường này nhiều lần lắm rồi mà. vẫn chưa được chính phủ thi hành.
Một điều nên mừng là vừa rồi sắc lệnh của quan Tổng thống Pháp hủy bỏ sắc lệnh năm 1898 cho báo giới Đông Dương được xuất bản tự do. Nhưng nghe đâu, chính phủ Đông Dương định ban hành riêng cho xứ Nam kỳ thôi. Chúng tôi thiết tưởng cũng đồng chung một dân tộc, có bảo hộ cũng như thuộc địa mà Trung kỳ chúng tôi không được hưởng thì chúng tôi rất lấy làm phàn nàn lắm.
Nhân tiện chúng tôi cũng nhắc lại vấn đề lập hội ái hữu. Trong lúc luật nghiệp đoàn chưa thi hành, chính phủ có hứa công nhận cho các lớp lao động lập hội ái hữu, ấy thế mà trong hai năm nay không biết bao nhiêu đoàn thể đưa đơn xin phép lập hội ái hữu đã gặp nhiều sự khó khăn trong việc thành lập. Chúng tôi rất lấy làm phàn nàn.
Một tiếng kêu thống thiết nữa của nhân dân chúng tôi là trông mong chính phủ đại xá tù chính trị. Những hạng người ấy vì một lý tưởng chính trị mà phải bị tù tội giam cầm chịu đau khổ đến nay kể cũng lâu lắm rồi. Thi cái ân ấy cho họ, chính phủ sẽ giảm bớt được bao nhiêu nỗi oán thán trong dân gian. Nhà nước không nên lo xa rằng họ sẽ như ngựa quen đường cũ. Không đâu, gặp một chính phủ minh chánh khoan hồng, họ sẽ tận tâm cộng tác để làm việc ích lợi cho dân cho nước.
Nói đâu xa chính ngay như tôi đây cũng chung cái kiếp áo xanh tưởng chừng đã bỏ xác ở Côn Đảo, đến khi đem mảnh thân già về nơi cố thổ thì cũng tưởng rằng, thôi thì đóng cửa xem văn, chớ cũng không muôn ra dự việc đời làm chi nữa, ấy thế mà đến khi gặp một chính phủ còn biết trọng dân quyền, còn biết nghĩ đến dân sinh, trước sự thôi thúc của quần chúng và tiếng gọi của phận sự tôi lại ra cộng tác với chính phủ để mưu cầu hạnh phúc cho quốc dân. Cái thái độ của tôi là một cái biểu hiện chứng rằng khi nào chính phủ thiệt khoan hồng, minh chánh thì sự đại xá chính trị phạm không lẽ gì để đến cho chính phủ lo ngại, mà trái lại là một điều ân huệ cần thiết trong hoàn cảnh này vậy. Năm ngoái viện chúng tôi đá yêu cầu đại xá chính trị phạm một lần rồi, năm nay chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa.
Thưa anh em đồng viên,
Trước khi bế mạc tôi không thể không ngăn cản sự mừng rỡ của tôi mà nói to lên rằng viện chúng ta kỳ hội đồng năm nay có hai cái đặc điểm rất đáng ghi nhớ: một là sự đồng tâm hiệp tác, hai là cách làm việc đã có trật tự quy củ.
Trước bao nhiêu vấn đề chính phủ đưa ra hỏi ý kiến chúng ta mà nhất là vấn đề thuế đinh điền, anh em cả toàn viện đã biết hy sinh các quyền lợi nhỏ mọn, những tư tưởng đảng phái mà chung sức nhau lại để làm việc như thế thật quý hóa vô cùng.
Đó là một cái bằng chứng trước vấn đề sanh mạng của dân chúng, anh em chúng ta đã biết đồng tâm hiệp lực để bênh vực quyền lợi cho dân. Cái tinh thần đoàn kết và cách làm việc có trật tự của chúng ta đã tỏ ra có thể thống đối với chính phủ lại ảnh hưởng lớn trong nhân dân. Mà việc làm có ảnh hưởng, có thể thống, thì chính phủ mới lưu ý đến những lời đề nghị yêu cầu và phê bình của chúng ta.
Tôi mong rằng dân biểu ta luôn luôn giữ chặt tinh thần đoàn kết ấy và sắp đặt cách làm việc cho hoàn hảo thêm, để cho chính phủ nới rộng quyền hạn của viện.
Như thế chúng ta mới khỏi phụ tấm lòng tín nhiệm của 6 triệu đồng bào đã gởi cho chúng ta.
Nhân tiện tôi xin thay mặt cho toàn viện cám ơn các quan đại diện chính phủ, Nam triều và Bảo hộ cùng các quan cố vấn, các quan giám đốc, các viên chức ty thuộc đã đến dự mấy kỳ hội đồng này của viện chúng tôi và thảo luận một cách chu đáo với chúng tôi về tất cả các vấn đề xã hội, kinh tế xứ này.
Chúng tôi xin cám ơn các quan Tây Nam và các nhân viên, các nhà báo đã đến dự lễ bế mạc này. Tôi xin hô to:
Đại Pháp vạn tuế.
Đại Nam vạn tuế.
Pháp Nam hợp tác vạn tuế”.
Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn có một ý kiến ngắn về Hoàng Văn Khải. Năm 1940, hết nhiệm kỳ ông trở về quê, người ta không gọi tên ông do cha mẹ đặt mà gọi ông là Cử Ngò, ông Cử nhân làng Ngò. Ông có người em là Hoàng Tiến Cửu cũng đậu cử nhân sau ông hai khóa (1912), người ta gọi là Cử Hai (có lẽ Cử Cả là Hoàng Văn Khải). Cũng như anh, Cử Hai không ra làm quan mà ở nhà dạy học, làm thuốc. Tôi được gặp ông nhiều lần, có lần mẹ tôi gần chết, ông cắt cho ba thang thuốc, bà uống xong lại sống đến năm 80 tuổi. Có một điều lạ, sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục đều ghi hai ông quê quán làng Ngò Xá nhưng ông anh là ở huyện Lôi Dương còn ông em ở huyện Thụy Nguyên. Tôi được một cụ già cho biết “Sách viết như thế là đúng”. Đất làng Ngò năm 1906 thuộc tổng Lôi Dương, huyện Lôi Dương, năm 1910 tổng ấy chuyển về Thụy Nguyên, sau là Thiệu Hóa. Cao Xuân Dục viết về hành trạng của Hoàng Văn Khải chỉ có hai chữ cụt lủn: Can án, viết như thế là khôn khéo, không ghi ông chống thuế phải đi Côn Đảo.
Ông Cử Ngò có người con gái về làm dâu ở Thọ Xuân. Bà là vợ của ông Nguyễn Mậu Kiện, ông Kiện là học sinh Quốc học Huế năm 1938 – 1939 về hoạt động ở Thiệu Hóa, kết nạp Đảng ở Thiệu Hóa. Khi lấy vợ, chắc ông và tổ chức Đảng đã nghiên cứu lý lịch ba đời nhà gái. Điều ấy chứng minh rõ ràng tổ chức lúc ấy vẫn coi Cử Ngò là một nhân sĩ, một chiến sĩ, một nhân vật đáng được tôn kính, quý trọng.